Những dự đoán về 'siêu xe tăng' T-95
Giới truyền thông quân sự dự đoán, năm 2010, siêu tăng T-95, được đánh giá mạnh hơn xe tăng chủ lực T-90 sẽ xuất hiện trong biên chế quân đội Nga.
Đầu những năm 1990, các thế hệ xe tăng T-72 và T-80 trở nên lạc hậu so với các loại xe tăng cùng thời. Yêu cầu lúc này của quân đội Liên Xô là có một thế hệ xe tăng mới. Tuy nhiên, tất cả đã ngừng lại khi Liên Xô giải thể (năm 1991).
Để tiết kiệm chi phí, Nga chọn giải pháp phát triển xe tăng chiến đấu mới dựa trên T-72. Năm 1993, “giải pháp” đó đã ra đời mang tên T-90. Chúng là sự lựa chọn thay thế hợp lý nhất lúc bấy giờ dành cho quân đội Nga.
Với những tính năng chiến đấu hiện đại, T-90 được trang bị một pháo nòng trơn 2A46 125mm bắn được nhiều loại đạn, được tích hợp phóng tên lửa chống tăng có điều khiển 9M119.
Hệ thống phòng vệ của T-90 ngoài các lớp giáp cơ bản, còn lắp thêm giáp phản ứng nổ (ERA). Đồng thời, T-90 trang bị hệ thống bảo vệ chủ động Shtora-1 và rất nhiều cải tiến mới mẻ khác làm nên một T-90 hoàn hảo, hiện đại nhất của quân đội Nga.
Nhưng tham vọng của Nga không dừng lại ở đó, họ vẫn tích cực phát triển mẫu xe tăng mới, điển hình là “đại bàng đen” T-80UM2 (hay còn gọi là dự án 640), nguyên mẫu lần đầu tiên xuất hiện ở VTTV-Omsk-97 triển lãm quốc tế về vũ khí, trang bị quân sự tổ chức tháng 9/1997 tại Omsk (Siberia, Nga).
T-80UM2 mang nhiều đặc điểm mới như: không sử dụng tháp pháo truyền thống giống T-72/80/90 mà thay vào đó là tháp pháo lớn; giáp bảo vệ có thể là giáp phản ứng nổ thế hệ Kasktus, hệ thống phòng vệ chủ động Drozd-2 và các thiết bị khác.
Trong thời gian gần đây, vài thông tin cho rằng, dự án T-80UM2 đã dừng lại. Thay vào đó, họ sẽ phát triển và đưa vào sản xuất loại xe tăng thế hệ mới, và nhiều khả năng nhất đó chính là “siêu tăng” T-95.
Cũng tương tự T-80UM2, T-95 không sử dụng tháp pháo tròn theo kiểu truyền thống của các xe tăng Nga hiện tại mà thay vào đó là tháp pháo nhỏ, đặt phía trong là hệ thống nạp đạn tự động.
T-95 sẽ trang bị pháo nòng trơn 152mm (trong khi T-72/80/90 sử dụng pháo cỡ 125mm) có khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng với tầm bắn khoảng 6.000-7.000m. Cơ số đạn dự trữ lên tới 40 viên.
Tổ lái gồm ba người: lái xe, xạ thủ và trưởng xe. Tất cả được bố trí trong một khoang bọc giáp nằm riêng biệt với thiết bị nạp đạn và tháp pháo. Cách bố trí này sẽ bảo vệ một cách an toàn cho người trong xe.
Vị trí ngồi của tổ lái nằm ở đằng trước xe trong khi động cơ và bộ phận truyền động nằm ở phía sau. Ở tháp pháo sẽ không được bố trí người ngồi.
Giáp bảo vệ của T-95 có thể là loại giáp tổng hợp, gia cố thêm các "viên gạch" ERA (ERA-giáp phản ứng nổ). Hệ thống phòng ngự chủ động Arena, Drozd-2.
Ngoài ra, T-95 có thể được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực mới bao gồm laser đo xa và có thể cả radar, cùng với đó là các thiết bị khác (hệ thống chữa cháy, hệ thống bảo vệ chống phóng xạ - sinh – hóa…(RBC)
Khả năng cơ động của T-95 có thể vượt trội hoàn toàn so với T-90 với trọng lượng 50 tấn và tốc độ 75km/h.
Hiện tại, lục quân Nga có khoảng 25.000 xe tăng và thiết giáp. Trong số đó T-80/90 chiếm 30% và số còn lại là các xe đã được nâng cấp hiện đại hóa vũ khí, giáp bảo vệ, hệ thống điện tử.
Tới năm 2025, T-90 vẫn sẽ là xương sống trụ cột của quân đội Nga, trong khi đó các mẫu T-80 và T-72 sẽ không còn được nâng cấp mà được thay thế bởi T-95, dự kiến được đưa vào hoạt động năm 2010.