1 tỷ người có nguy cơ chết do biến đổi khí hậu

Các chuyên gia dự đoán số ca tử vong đáng báo động liên quan đến biến đổi khí hậu dựa theo một số quy luật, bao gồm "quy luật 1.000 tấn".

Bản đánh giá mới công bố trên tạp chí Energies, dựa trên 180 bài viết về tỷ lệ tử vong của người do biến đổi khí hậu, đưa ra một con số đáng lo ngại, Science Alert hôm 30/8 đưa tin. Vào khoảng thế kỷ tới, một tỷ người, thậm chí nhiều hơn, có thể thiệt mạng do thảm họa khí hậu.

Giống như đa số dự đoán, dự đoán này dựa trên một số giả định và quy luật, trong đó có "quy luật 1.000 tấn". Theo đó, mỗi 1.000 tấn carbon mà nhân loại đốt cháy có thể gián tiếp kết án tử cho một người trong tương lai.


Trong tương lai, biến đổi khí hậu toàn cầu có thể khiến cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn, hạn hán kéo dài hơn và bão mạnh hơn. (Ảnh: Mellimage/Shutterstock/Montree Hanlue/NASA)

Nếu thế giới đạt mức nhiệt cao hơn 2 độ C so với nhiệt độ trung bình toàn cầu thời tiền công nghiệp - điều có khả năng xảy ra trong những thập kỷ tới - thì sẽ có nhiều sinh mạng mất đi. Tình từ thời điểm hiện tại, cứ mỗi 0,1 độ C nóng lên, thế giới có thể hứng chịu khoảng 100 triệu ca tử vong.

Tỷ lệ tử vong của con người do biến đổi khí hậu rất khó tính toán, kể cả trong thời hiện đại. Theo Liên Hợp Quốc, hàng năm, các yếu tố môi trường lấy mạng khoảng 13 triệu người, nhưng chưa rõ bao nhiêu trong số đó do biến đổi khí hậu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp. Một số chuyên gia cho rằng nhiệt độ bất thường giết chết khoảng 5 triệu người mỗi năm, nhưng số khác lại đưa ra ước tính thấp hơn.

Một trong những lý do khiến việc tính toán trở nên khó khăn là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu rất đa dạng. Mất mùa, hạn hán, lũ lụt, thời tiết khắc nghiệt, cháy rừng và nước biển dâng đều có thể tác động đến cuộc sống con người theo những cách phức tạp.

Dự đoán số người chết trong tương lai do những thảm họa khí hậu này vốn là việc cực kỳ khó, nhưng chuyên gia năng lượng Joshua Pearce tại Đại học Western Ontario (Canada) và Richard Parncutt tại Đại học Graz (Áo), hai tác giả của bản đánh giá, cho rằng rất đáng để nghiên cứu. Theo hai chuyên gia, việc đo lượng khí thải theo các khía cạnh liên quan đến con người giúp công chúng dễ dàng tiếp nhận số liệu hơn, đồng thời nhấn mạnh mức độ cần thiết phải hành động ngay.

Pearce và Parncutt đã áp dụng quy luật 1.000 tấn cho mỏ than Adani Carmichael ở Australia, nơi dự kiến trở thành mỏ than lớn nhất từ trước đến nay. Họ cho rằng việc đốt toàn bộ trữ lượng của mỏ than này có thể khiến khoảng 3 triệu người chết sớm trong tương lai.

Về mặt kỹ thuật, quy luật 1.000 tấn không tính đến các vòng lặp phản hồi khí hậu (sự ảnh hưởng của một quá trình khí hậu đến quá trình khác, từ đó tác động ngược trở lại quá trình ban đầu). Điều này có thể khiến trong tương lai, hậu quả môi trường từ khí thải carbon thậm chí còn diễn ra nhanh chóng và tồi tệ hơn. quy luật 1.000 tấn thực chất cũng không phải một con số cụ thể mà là một phạm vi, nghĩa là khoảng 0,1 - 10 người chết trên 1.000 tấn carbon bị đốt cháy. Điều này đồng nghĩa kịch bản xấu hơn có thể xảy ra.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất