10 hố lớn kỳ lạ nhất thế giới

Phần lớn những chếc hố khổng lồ trên trái đất đều do hoạt động khai thác mỏ của con người tạo nên như hố gas Darvaza bốc cháy suốt 45 năm hay mỏ kim cương Kimberley lớn nhất thế giới ở Nam Phi. Bên cạnh đó, thiên nhiên cũng hình thành các hố sâu khổng lồ tương tự.

1. Hố gas Darvaza - Turmenistan

Năm 1971, các nhà địa chất phát hiện mỏ khí ngầm ở vùng Darvaza. Trong khi khai thác, một vụ sập đã tạo ra chiếc hố khổng lồ. Để ngăn tình trạng khí độc giải phóng người đã đốt nó và đến nay hố gas Darvaza vẫn tiếp tục cháy, tạo ra cảnh tượng độc nhất vô nhị trên hành tinh.

2. Mỏ kim cương Kimberly - Nam Phi

Mỏ kim cương này còn được gọi là Big Hole được coi là chiếc hố nhân tạo lớn nhất thế giới. Từ năm 1866 đến năm 1914 đã có 50.000 công nhân làm việc tại đây bằng những dụng cụ thô sơ như cuốc và xẻng, khai thác tổng cộng 2.722 kg kim cương. Công trình này đang được đăng ký trở thành một di sản thế giới.

3. Đập Monticello - California

Đập Monticello nằm ở hạt Napa, bang California (Mỹ), có một hố thoát nước hình tròn với chiều cao 93m, được xây từ 249.000m khối bê tông.

Đập có nhiệm vụ ngăn nước sông Putah và hình thành hồ Berryessa (hồ lớn thứ 2 ở bang California).

4. Mỏ Bingham - Utah

Khu mỏ khai thác đồng ở hẻm Bingham thuộc dãy núi Oquirrh, bang Utah (Mỹ) có độ sâu tới 1,2 km và đường kính 4 km. Đây cũng là một trong những hố lớn nhất thế giới do con người tạo ra.

5. Hố xanh khổng lồ - Belize

Hố sụt ngầm dưới nước được mệnh danh là Great Blue Hole này nằm ngoài khơi Belize, thuộc vùng Trung Mỹ, được hình thành như một hang động đá vôi ở cuối thời kỳ băng hà.

6. Mỏ kim cương Mirny - Siberia

Khu mỏ có độ sâu 525 mét và đường kính 1.200 mét này là một trong những nơi khai thác kim cương đầu tiên và lớn nhất của Liên Xô nay đã chấm dứt sứ mệnh. Khi còn hoạt động, phải mất hai tiếng những chiếc xe tải mới có thể đi từ đỉnh mỏ Mirny xuống đáy theo hình xoắn ốc.

7. Mỏ kim cương Diavik - Canada

Khu mỏ này nằm ở vùng lãnh thổ Tây Bắc của Canada bắt đầu hoạt động từ năm 2003, mỗi năm khai thác được 8 triệu carat (tương đương khoảng 1.600 kg) kim cương.

8. Hố sụt Guatemala

Năm 2007, một hố sụt có đường kính gần 100 mét đã nuốt gọn hàng chục ngôi nhà ở Guatemala khiến 2 người thiệt mạng và hàng nghìn người phải đi sơ tán. Hố sụt này được tạo ra bởi những cơn mưa lớn liên tiếp và một đường chảy nước thải ngầm.

9. Mỏ Udachnaya - Nga

Khu mỏ kim cương lộ thiên Udachnaya của Nga được phát hiện từ năm 1955 và có độ sâu hơn 600 mét. Những người sở hữu khu mỏ này đang có kế hoạch chấm dứt hoạt động của nó vào năm 2010 để chuyển sang khai thác ngầm trong lòng đất.

10. Mỏ Chuquicamata - Chile

Đây là mỏ khai thác đồng lộ thiên có tổng sản lượng khai thác lớn nhất trên thế giới, dù đây không phải là mỏ đứng đầu về quy mô hoạt động. Mỏ có độ sâu hơn 850 mét.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất