10 phát hiện khoa học đáng chú ý nhất trong năm

Mây cuộn như sóng biển, rắn khổng lồ dài bằng xe buýt, bà cụ tổ của loài người là ba trong số những phát hiện khoa học nổi bật nhất trong năm 2009, theo bình chọn của trang National Geographic.

 

Ngày 30/3, người dân thành phố Donsol, Philippine phát hiện một con cá mập dài khoảng 4 m trên bờ biển. Họ bắt nó và thông báo với văn phòng Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) tại Philippines. Con vật chết ngay sau khi bị bắt. WWF thông báo đó là cá mập miệng lớn - một trong những loài cá mập hiếm nhất thế giới. Cho tới nay người ta mới chỉ tìm thấy 41 cá thể cùng loài với con vật đã chết, trong đó có 7 con ở Philippines.

Bất chấp nỗ lực của WWF, con cá mập vẫn bị xẻ thịt và biến thành món ăn.

 


Viện Nhân loại học và Lịch sử quốc gia Mexico khẳng định những thổ dân ở châu Mỹ đã biết cách gắn đá quý vào răng để làm đẹp từ khoảng 2.500 năm trước. Kết luận được đưa ra sau khi các chuyên gia của viện phân tích vài nghìn mẫu răng gắn đá quý mà họ thu thập được. Những chiếc răng có thể nằm bên trong hộp sọ hoặc tách rời. Họ khẳng định việc gắn đá quý vào răng không phải là dấu hiệu để thể hiện đẳng cấp xã hội mà chỉ phục vụ mục đích làm đẹp. Điều đáng kinh ngạc là các "nha sĩ" thời xưa đã đục răng bằng những dụng cụ có hình dạng giống mũi khoan để đục răng trước khi gắn đá quý. Những dụng cụ đó được làm bằng đá cứng.

 

Một báo cáo khoa học hồi tháng 10 cho thấy 9 loài rắn lớn đang bành trướng tại nhiều vùng trên lãnh thổ Mỹ và có thể gây nên thảm họa đối với động vật, thực vật và các hệ sinh thái của nước này.

Cục Địa chất Mỹ cho hay, tất cả 9 loài rắn lạ ở Mỹ đều thuộc nhóm động vật xâm lấn hoặc có khả năng xâm lấn. Điều này có nghĩa là chúng có thể sống sót và sinh sản ở nhiều khu vực khác nhau. Chúng đạt tới độ tuổi trưởng thành rất nhanh và đẻ nhiều con. Nhiều con đạt chiều dài tới hơn 6 m và khối lượng tới 90 kg. Số lượng của chúng tại Mỹ có thể dao động từ vài chục nghìn tới vài trăm nghìn cá thể.

 

Vào tháng 2, một nhóm sinh viên và giảng viên Đại học Toronto (Canada) tìm thấy 180 xương sườn hóa thạch của 28 con rắn tại một mỏ than đá ở Cerrejó, đông bắc Columbia. Bằng cách so sánh hình dáng và kích thước của hai bộ xương đầy đủ nhất với xương của trăn khổng lồ Nam Mỹ (Anaconda), họ cho rằng chúng nặng tới 1.135 kg và dài khoảng 12,8 m. Loài rắn này sống cách chúng ta khoảng 58 đến 60 triệu năm và được nhóm nghiên cứu đặt tên là Titanoboa cerrejonensis.

Với kích thước và khối lượng như thế, nhóm nghiên cứu cho rằng Titanoboa cerrejonensis là loài rắn lớn nhất mà con người từng biết.

 

A.J. Goddard nổi tiếng vì nó là một trong số ít tàu được đóng bằng sắt trong thế kỷ 19. Tên tuổi của nó gắn liền với những chuyến đưa người tới sông Yukon, Canada để đào vàng. Trong vòng ba năm, A.J. Goddard cùng với khoảng 260 tàu hơi nước khác đã vận chuyển hàng vạn người tới sông Yukon. Vào năm 1901, con tàu đột nhiên chìm trong một cơn bão lớn. Trong suốt một thế kỷ qua, vụ tai nạn của A.J. Goddard đã thu hút sự chú ý của giới khoa học. Một nhóm chuyên gia khảo cổ Canada đã tìm thấy xác của nó dưới đáy hồ Laberge, vùng lãnh thổ Yukon, Canada. Điều khiến họ kinh ngạc là A.J. Goddard vẫn còn nguyên vẹn như thể nó vừa đắm từ mấy ngày trước.

Những thứ còn vương vãi trên tàu cho thấy tình trạng hỗn loạn trên tàu trước khi đắm. Nhiều người đã chết trong cơn bão. Một số người vứt lại giày và áo choàng để nhảy khỏi tàu.

 

Vào tháng 10 các nhà khảo cổ học của Đại học California, Mỹ, công bố hình ảnh hoàn chỉnh về bộ xương hóa thạch của một sinh vật thời tiền sử từng sống tại châu Phi cách đây 4,4 triệu năm. Bộ xương hóa thạch – có tên Ardipithecus ramidus nhưng gọi tắt là “Ardi”

Từ trước tới nay giới nhân chủng học luôn nghiên cứu tinh tinh (trên cả phương diện giải phẫu học và hành vi) để tìm hiểu tổ tiên loài người. Tuy nhiên sự xuất hiện của Ardi khiến mọi hiểu biết của chúng ta về lịch sử loài người bị đảo lộn hoàn toàn. Các phân tích cho thấy Ardi có cả những đặc điểm của người và động vật linh trưởng cổ đại. Tuy nhiên, nó không phải là tinh tinh hay khỉ đột. Nhóm nghiên cứu của Đại học California cho rằng Ardi có thể là tổ tiên chung của người và các động vật linh trưởng ngày nay. Như vậy có nghĩa là chúng ta không tiến hóa từ tinh tinh.

Chim cun cút Luzon được cho là chỉ sống ở đảo Luzon của Philippines. Trong suốt nhiều năm qua người ta chỉ nhìn thấy chúng trên những bức tranh trong viện bảo tàng mà các nhà khoa học từng vẽ từ vài thập kỷ trước. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã đưa chim cun cút Luzon vào Sách đỏ. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khẳng định chúng đã tuyệt chủng.

Thế rồi vào tháng 1 vừa qua, một đoàn làm phim tài liệu của vô tình phát hiện một con cun cút Luzon còn sống được bày bán tại một chợ ở Philippines. Michael Lu, chủ tịch câu lạc bộ Chim hoang dã Philippines, cho rằng đó có thể là con chim cun cút Luzon cuối cùng còn sống. Nhưng tổ chức Birdlife International khẳng định loài chim này vẫn còn tồn tại ở những khu vực khác.

 

Những đám mây trong ảnh trông giống như sóng vỗ bập bềnh trên trời. Chúng xuất hiện ở phía trên thành phố Cedar Rapids, bang Iowa, Mỹ. Trên thực tế người ta đã phát hiện loại mây này từ năm 1951.

Gavin Pretor-Pinney, một người say mê tìm hiểu mây tại Anh, đã đề nghị Tổ chức Khí tượng Thế giới đưa loại mây nói trên vào danh sách những loại mây mới. Ông cũng đặt cho chúng một cái tên bằng tiếng Latin: Undulatus asperatus (nghĩa là dạng mây gợn sóng, hỗn loạn và dữ dội).

Margaret LeMone, một chuyên gia về mây tại Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ, nói rằng bà đã chụp ảnh loại mây hình sóng vỗ trong hơn 30 năm qua. LeMone cho rằng chắc chắn chúng sẽ được công nhận là loại mây mới.

Sở hữu chiếc đầu giống như khoang lái của phản lực cơ chiến đấu, loài cá mắt thùng (Macropinna microstoma) là một trong những động vật biển kỳ lạ nhất hành tinh. Chúng sống trong môi trường tối đen dưới đáy biển, nơi ánh sáng mặt trời không thể lọt tới. Thân của cá mắt thùng dài khoảng 15 cm.

Các chuyên gia của Viện nghiên cứu hải dương Monterey Bay (Mỹ) sử dụng các đoạn video do một thiết bị điều khiển từ xa ghi lại để nghiên cứu cá mắt thùng tại vùng biển California trong năm nay. Ở độ sâu 600-800 mét, loài cá này thường giữ thân mình bất động, còn mắt của chúng phát ra ánh sáng màu xanh lục. Một đặc điểm chưa từng được biết đến ở cá mắt thùng là mắt của chúng được bao quanh bởi một tấm chắn trong suốt chứa đầy dịch lỏng. Tấm chắn này bao phủ cả phần đỉnh đầu.


Từ lâu giới khoa học rất muốn biết những động vật linh trưởng bậc cao (như khỉ, người) tách khỏi những nhóm động vật linh trưởng khác (trong đó có vượn cáo) trong quá trình tiến hóa từ lúc nào và ở đâu. Nhưng trong suốt nhiều thập kỷ họ chưa tìm ra manh mối về sự chia tách đó.

Thế rồi vào tháng 5 các nhà cổ sinh vật học quốc tế thông báo họ tìm thấy bộ xương hóa thạch của một sinh vật giống người có niên đại 47 triệu năm tại Đức. Nhóm nghiên cứu tuyên bố Ida - tên hóa thạch - chính là loài đóng vai trò "mắt xích" trong quá trình tiến hóa của động vật linh trưởng mà giới khoa học tìm kiếm từ nhiều thập kỷ qua. Ngay lập tức Ida trở thành đề tài nóng hổi trên các phương tiện truyền thông khắp thế giới.

Philip Gingerich, nhà cổ sinh vật học của Đại học Michigan, Mỹ, nói rằng Ida là cầu nối giữa những động vật linh trưởng bậc cao như khỉ, người và những động vật linh trưởng có họ xa với người như vượn cáo.

"Đây là sinh vật có quan hệ gần gũi nhất với tổ tiên trực tiếp của loài người", nhà cổ sinh vật học Jorn Hurum, trưởng nhóm nghiên cứu, tuyên bố.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất