10 sự kiện môi trường Việt Nam nổi bật năm 2011

Ngày 29/12, các nhà báo viết về lĩnh vực môi trường của Việt Nam đã bình chọn 10 sự kiện môi trường nổi bật trong năm 2011.

Dưới đây là 10 sự kiện môi trường tiêu biểu trong năm 2011:

1. Đưa Rùa Hồ Gươm lên bờ chữa bệnh

Từ tháng 2/2011, nhiều phương tiện truyền thông đã lên tiếng về tình hình sức khỏe của Rùa Hồ Gươm. Nhiều thông tin phản ánh Rùa có dấu hiệu rất mệt mỏi bị khá nhiều vết thương và những vết thương đều có dấu hiệu lở loét không chỉ ở cổ, mai, mà ở quanh thân, các kẽ chân, móng chân, da...


Đưa rùa Hồ Gươm lên bờ chữa bệnh. (Ảnh: Tin môi trường)

Tiếp đó, sau rất nhiều tranh cãi, ngày 3/4/2011, các chuyên gia đã quyết định vây bắt rùa Hồ Gươm để chữa bệnh. Rùa được điều trị theo phác đồ riêng bằng các bước như Xử lý các vết thương cho rùa và dùng bài thuốc an toàn, phân tích tác nhân gây bệnh, quyết định chủng loại thuốc, tính toán liều lượng thuốc cần dùng, sau khi kết thúc dùng thuốc, đưa rùa ra bể nuôi dưỡng một thời gian để tiếp tục theo dõi. Sau 100 ngày điều trị, rùa đã được thả xuống hồ vào ngày 12/07/2011, sau khi thanh lọc nguồn nước trong hồ.

2. Hồ Ba Bể là khu Ramsar của thế giới

Ngày 5/6/2011, tại Bắc Kạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao quyết định của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận hồ Ba Bể là khu Ramsar của thế giới. Hồ Ba Bể là vùng đất thứ 3 của Việt Nam được UNESCO công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước quan trọng của thế giới) sau khu Xuân Thủy ở tỉnh Nam Định và khu Bàu Sấu ở tỉnh Đồng Nai.

3. Công ty Sonadezi Long Thành xả nước thải ra môi trường

Ngày 4/8, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an đã bắt quả tang Công ty Sonadezi Long Thành (huyện Long Thành - Đồng Nai) xả nước thải có mùi hôi đen đặc, hôi nồng nặc ra rạch Bà Chéo (thông với sông Đồng Nai).

Theo kết luận của C49 Sonadezi có 3 vi phạm. Đầu tiên là hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật từ 5 đến dưới 10 lần với khối lượng trên 9.000 m3 một ngày đêm ra môi trường.

Thứ hai, công ty này còn thực hiện không đúng, không đầy đủ báo cáo tác động môi trường của Bộ Tài nguyên Môi trường đã phê duyệt. Cuối cùng, Sonadezi cũng không vận hành đầy đủ hệ thống xử lý nước thải đã được xây dựng. Với những vi phạm trên, công ty Sonadezi Long Thành đã bị xử phạt với tổng số tiền lên đến 405 triệu đồng.

4. Tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản

Kể từ ngày 30/08/2011, Chính phủ đã quyết định tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản. Quyết định này nhằm đối phó với những hoạt động khai khoáng tràn lan, thiếu quy hoạch, tự phát đã dẫn đến hậu quả ô nhiễm môi trường, phát sinh tệ nạn xã hội.

Đồng thời, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo dự thảo quyết định phê duyệt chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Dự thảo chiến lược khẳng định: khoáng sản là tài sản quan trọng của quốc gia, phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Việc khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản phải phù hợp với tiềm năng tài nguyên của từng loại khoáng sản và đặt lợi ích quốc gia làm trọng; tăng cường công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Xuất khẩu khoáng sản phải theo nguyên tắc cân đối, bảo đảm nhu cầu sản xuất trong nước và phù hợp với từng thời kỳ.

5. Phát hiện chuột đá “tuyệt chủng 11 triệu năm” ở Quảng Bình

Ngày 6/9/2011, ông Lưu Minh Thành, giám đốc vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), cho biết: Vườn đã nhận được thông tin trên từ Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) và nhóm chuyên gia điều tra đa dạng sinh học của VN ở vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết đã phát hiện ra loài chuột được cho là đã tuyệt chủng từ 11 triệu năm trước ở Quảng Bình.


Phát hiện chuột đá tuyệt chủng từ 11 triệu năm trước ở Quảng Bình.

Con thú này có hình dạng giống chuột, đuôi dài và khá to, trông như đuôi con sóc, được phát hiện tại địa bàn xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, khi đồng bào người dân tộc Rục bắt được để ăn thịt như những loài chuột khác.

Người Rục gọi loài này là ninh cùng. Qua kiểm tra mẫu, các chuyên gia bước đầu nhận định đây là loài chuột đá (tên khoa học Laonastes aenigmamus). Trước đó, loài chuột đá này được cho là đã không còn sống trên trái đất.

6.Tê giác Java một sừng bị tuyệt chủng ở Việt Nam

Ngày 25/10/2011, Quỹ bảo tồn Thiên nhiên thế giới (WWF) và Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế IRF khẳng định: Tê giác Java một sừng (Rhinoceros sondaicus annamiticus) đã tuyệt chủng tại Việt Nam. Kết quả phân tích gen của 22 mẫu phân do nhóm khảo sát của WWF và Vườn Quốc gia Cát Tiên thu thập từ năm 2009 đến năm 2010 cho thấy tất cả các mẫu phân này đều thuộc về xác cá thể tê giác được tìm thấy tại vườn vào tháng 4 năm 2010. Xác cá thể này, cùng với một viên đạn tìm thấy ở chân và sừng đã bị lấy đi.


Tê giác quý hiếm Java tuyệt chủng ở Việt Nam.

WWF cho rằng mất sinh cảnh sống là yếu tố then chốt dẫn đến sự tuyệt chủng của tê giác Java tại Việt Nam, đồng thời cảnh báo rằng việc thực thi pháp luật không thỏa đáng, quản lý thiếu hiệu quả, xâm lấn đất và xây dựng cơ sở hạ tầng bên trong và gần các khu vực được bảo vệ chỉ làm tăng thêm áp lực cho các quần thể loài vốn đã dễ bị tổn thương trong các khu vực này.

7.Thủy điện gây động đất ở Quảng Nam

TS Trần Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Địa chất, đã nói: “Đới đứt gãy hoạt động mạnh trong lòng địa chất kèm theo công trình thủy điện Sông Tranh 2 ngăn dòng, tích nước lòng hồ là hai nguyên nhân chính gây ra động đất kích thích, lòng đất phát nổ làm rung chuyển mặt đất ở Quảng Nam trong thời gian qua”. Điều này được ông khẳng định tại buổi làm việc vào chiều 1/12/2011 với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam sau đợt khảo sát động đất ở huyện Bắc Trà My – Quảng Nam.

Trước đó, từ đầu tháng 11/2011 ở khu vực huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra nhiều trận động đất. Các trận động đất này đã gây ra rung động nền đất kèm theo tiếng nổ ở khu vực gần chấn tâm. Rất nhiều người dân đã cảm nhận được dao động do động đất gây ra. Nhà cửa và các đồ vật treo đung đưa mạnh.

8.Tranh cãi về việc xây dựng thuỷ điện 6 và 6A tại Đồng Nai

Các nhà khoa học đã tranh cãi “nãy lửa” về các vấn đề môi trường liên quan đến dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A . Dự án thủy điện Đồng Nai 6 thuộc qui hoạch khai thác bậc thang thủy điện Đồng Nai. Trong quá trình thực hiện, chủ dự án là Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai thay đổi thành 2 bậc thang thủy điện, Đồng Nai 6 và 6A. Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, nếu thực hiện thì 2 dự án thủy điện này sẽ tác động nghiêm trọng đến môi trường mà điển hình là hệ sinh thái của Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên. Đồng thời vấn đề này có nguy cơ tác động đối với đa dạng sinh học và nông dân tại vùng dự án sẽ mất đất nông nghiệp, người dân vùng hạ lưu sẽ gặp khó khăn trong canh tác do môi trường thay đổi và kéo theo hàng loạt bất cập…

Một câu hỏi được đặt ra là nếu làm một công trình mà phá vỡ cảnh quan môi trường, tác động xấu đến hệ động, thực vật phong phú của vườn quốc gia thì có nên không? Hiện tại, dự án vẫn chưa có lời kết cho sự tranh cãi này.

9.Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu

Ngày 5/12/2011,Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2139/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

Quyết định nêu rõ, biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng nhất đối với toàn nhân loại, ảnh hưởng sâu sắc và làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội toàn cầu. Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn.

Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đặt ra 4 mục tiêu cụ thể. Thứ nhất, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, nâng cao đời sống, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Thứ hai, nền kinh tế các-bon thấp, tăng trưởng xanh trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển bền vững... Thứ ba, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của các bên liên quan; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện thể chế, chính sách...; tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế-xã hội. Thứ tư, góp phần tích cực với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu...

Đây là 1 trong 10 nhiệm vụ của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Theo đó, để cảnh báo sớm, đến năm 2015, phải hoàn thành việc xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nâng thời hạn dự báo bão, không khí lạnh lên đến 3 ngày với độ chính xác ngang mức tiên tiến của khu vực châu Á nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do các hiện tượng khí hậu cực đoan gây ra.

10. Triều cường lớn nhất lịch sử tại TP. HCM trong 50 năm qua

Sáng sớm ngày 25/12, triều cường tại TP Hồ Chí Minh đạt mức báo động III và trở thành đỉnh triều cường lớn trong lịch sử (kỷ lục ở mức 1,59m).Triều cường dâng cao khiến nước từ hệ thống cống thoát nước trào lên, tràn qua hệ thống bờ bao, kênh, rạch ven sông gây ngập đường. Ở một số tỉnh, triều cường đạt mức kỷ lục lớn nhất trong 50 năm qua.

Gây ngập lụt ở đây cũng là sự ứ đọng của lũ và công tác quy hoạch thoát lũ ở TP.HCM chưa tốt, chưa đúng nên xảy ra tình trạng ngập úng, ngập lụt cục bộ. Trước vấn đề này, các nhà chức trách và các bộ nghành liên quan cần lưu tâm và cần có những giải pháp giải quyết tận gốc để tránh vấn đề ngập lụt đến người dân.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất