11 loài động vật ăn thịt đồng loại đáng sợ nhất

Ăn thịt đồng loại không phải là hiện tượng hiếm gặp trong thế giới động vật. Theo các nhà khoa học đã ghi nhận thì hiện nay có khoảng hơn 1.500 loài động vật có hành vi ăn thịt đồng loại. Những loài ăn thịt đồng loại này có cả ở trên cạn và dưới nước.

Cá mập hổ cát

Không nghi ngờ gì nữa, cá mập là một trong những loài sát thủ đẳng cấp nhất trong tự nhiên. Chúng được sinh ra với bản năng sát thủ ngay từ trong bụng mẹ.

Vào mùa sinh sản, thông thường một con cá mập hổ cát cái trưởng thành có thể có từ 6-7 phôi thai trong tử cung của mình, tuy nhiên sẽ chỉ có một con non tồn tại. Con non đầu tiên sinh ra sẽ ăn thịt những con non vẫn còn đang trong vỏ trứng. Sau đó nó tiếp tục tấn công và ăn nốt những quả trứng chưa được thụ tinh trong tử cung cá mập mẹ. Với một hàm lượng protein cao thu được từ những bữa ăn đầu tiên, con non này khi sinh ra đã có thể dài tới 3 feet (gần 1m). Với một thể hình như thế, cá mập hổ cát ngay khi còn non cũng không sợ bị bất cứ loài vật nào trong đại dương làm phiền.

Cầy thảo nguyên (Hay còn gọi là sóc đồng cỏ)

Cầy thảo nguyên là loài ăn thịt đồng loại hàng loạt đáng sợ nhất và cũng dễ thương nhất mà các bạn được biết.

Nhờ công trình nghiên cứu của nhà sinh thái học hành vi John Hoogland, chúng ta được biết một số những chú cầy thảo nguyên đã có những hành vi đáng sợ này. May mắn thay không phải tất cả con vật dễ thương này đều làm như vậỵ.

“Chúng tôi nhận thấy hầu hết con cái được kết bạn giao phối nhưng rất ít trong số đó đã được cai sữa” - John Hoogland, người bắt đầu nghiên cứu các động vật gặm nhấm từ năm 1974, cho biết.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy một số con cái đi xuống hang của những con cái khác có quan hệ huyết thống và khi chui lên chúng thường xuyên có những vết máu trên mặt. “Chúng tôi thấy hầu hết con non đã bị ăn thịt dưới đó”, Hoogland nói.

“Việc con cái giết chết con non của những con cái khác trong gia đình nhằm tăng cơ hội sống sót cho con non của mình là một hành động cạnh tranh đầy cực đoan” - Hoogland nói.

Trong ý nghĩa đó, đây quả thật là một thế giới ăn thịt lẫn nhau của loài cầy thảo nguyên.

Cóc mía

Cóc ăn thịt cóc? Bạn có tin nổi không?

Cóc mía có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Chúng có sở thích ăn trứng đồng loại ngay khi đánh hơi thấy miếng mồi. Chúng đặc biệt bị thu hút bởi bởi một loại chất độc bảo vệ trứng được gọi là bufadienolides. Chất dinh dưỡng từ những quả trứng này giúp chúng phát triển và giảm bớt sự cạnh tranh trong tương lai (theo nghiên cứu của Đại học Sydney và Đại học James Cook, 2011).

Một nghiên cứu vào năm 2008 cho thấy cóc mía liên tục cử động ngón giữa bàn chân sau của nó để thu hút con mồi, bao gồm cả những con cóc non. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện thí nghiệm với 28 con cóc mía chưa đến tuổi trưởng thành và thấy rằng 64% trên 149 con mồi của chúng là những con cóc mía khác.

Rắn

Một nghiên cứu về loài rắn chuông đầu dẹt Mexico năm 2009 đã chỉ ra rằng 68% các bà mẹ đã ăn thịt con của chúng, bao gồm cả những con non đã chết trước khi ra đời. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây có thể là hành động giúp rắn mẹ lấy lại chất dinh dưỡng cần thiết để sinh thêm những lứa rắn non khác.

Tờ New York Time (1901) từng mô tả một câu chuyện tại vườn thú Bronx khi loài rắn đen trở thành món ăn ưa thích của một con hổ mang cái ngoại cỡ. Thói háu ăn của con hổ mang cái này làm cho loài rắn đen trong công viên ngày càng trở nên hiếm hoi.

Nhện lưng đỏ Úc

Nhện đực lưng đỏ Úc sẽ hi sinh thân mình bằng cách cưỡi lên phần miệng của con cái trong khi giao phối và qua đó chuyển tinh trùng của chúng ngay khi trở thành… bữa ăn của bạn tình.

Maydianne Andrade thuộc Đại học Toronto Scarborough trong một nghiên cứu năm 2003 chỉ ra rằng những con nhện đực lưng đỏ Úc bị ăn thịt (chiếm 65% trường hợp) giao phối lâu hơn và sản xuất gấp đôi số lượng con cái so với những con đực không bị ăn thịt.

Cá sấu

Bức ảnh này chụp một con cá sấu đang ăn xác một con cá sấu khác trên sông Mission, Australia. Trong điều kiện khan hiếm thức ăn, cá sấu thường ăn thịt các con non. Bên cạnh đó, chúng còn ăn thịt các xác chết động vật, kể cả đồng loại của chúng.

Bọ ngựa

Bọ ngựa cái nổi tiếng với việc cắn đứt đầu bọ ngựa đực khi đang giao phối. Dù bị mất đầu, hạch thần kinh bụng ở thân bọ ngựa vẫn giữ nó sống thêm vài giờ đồng hồ và quá trình giao phối vẫn tiếp diễn như bình thường. Bọ ngựa đực có thể thoát chết nếu nó nhảy nhanh khỏi lưng bọ ngựa cái ngay sau khi việc giao phối hoàn thành.

Bọ cạp

Bọ cạp là loài vật sống đơn độc. Khi gặp đồng loại của mình, bọ cạp thường lao vào đánh nhau và sau đó con bọ cạp thua cuộc sẽ bị đồng loại của nó ăn thịt. Khoảng 1/4 khẩu phần của bọ cạp là thịt của những con bọ cạp khác. Giống như nhiều loài nhện và côn trùng, bọ cạp cũng là loài ăn thịt bạn tình sau khi giao phối.

Muỗm Mormon

Loài muỗm Mormon có họ hàng gần với dế sống ở Bắc Mỹ. Chúng thường di chuyển thành một đàn lớn để tìm kiếm thức ăn. Những con muỗm nào kiệt sức và chết sẽ ngay lập tức trở thành thức ăn quý giá cho đồng loại của nó bởi cơ thể chúng là một nguồn protein và muối khoáng quan trọng.

Sư tử

Sư tử là loài sống theo đàn và mỗi đàn có một con sư tử đực trưởng thành làm con đầu đàn. Những con sư tử đực trẻ thường giao chiến với con đầu đàn để giành vị trí thống soái. Nếu thành công, chúng thường giết chết những con sư tử non là con của sư tử đầu đàn cũ như một cách để khẳng định vị trí và quyền lực của mình trong đàn sư tử.

Tinh tinh

Tinh tinh là loài có họ hàng gần gũi nhất với con người và chúng cũng là một trong những loài động vật có trí thông minh cao nhất. Thế nhưng ít ai biết rằng, tinh tinh cũng là loài ăn thịt đồng loại. Những bầy tinh tinh đôi khi tổ chức những cuộc đi săn tập thể và bắt tinh tinh con để ăn thịt.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất