12/10/2017 NASA thử nghiệm hệ thống phòng thủ Trái đất
Lợi dụng thời điểm thiên thạch 2012 TC4 bay ngang qua, NASA sẽ thử tập luyện khả năng xác nhận quỹ đạo của các tiểu hành tinh trong vũ trụ.
Mới đây, NASA đưa ra dự báo về một viên thiên thạch có khả năng va phải Trái đất vào ngày 12/10/2017. Cụ thể, đó là tiểu hành tinh 2012 TC4 với đường kính 30m, và nó sẽ đi ngang qua Trái đất ở khoảng cách cực gần - chỉ 6.800km (chỉ bằng 1/56 lần quãng đường đến Mặt trăng).
Theo người phát ngôn của NASA, đây là một dịp không thể tốt hơn để thử nghiệm "hệ thống phòng thủ hành tinh" - vốn được dùng để phát hiện các thiên thạch có khả năng khiến Trái đất gặp thảm họa.
Mô phỏng thiên thạch 2012 TC4.
"Khoa học có thể dự đoán được khi nào một mảnh thiên thạch sẽ áp sát Trái đất và đi qua một cách an toàn, bằng các dữ liệu thu thập được" - trích lời Michael Kelley, chuyên gia thuộc chiến dịch TC4 của NASA.
"Nhưng lần này, chúng tối muốn sử dụng thiên thạch để kiểm tra lại hệ thống phát hiện tiểu hành tinh trên toàn cầu, nhằm đánh giá lại khả năng chúng ta thực sự phát hiện ra thiên thạch nguy hiểm cho Trái đất".
Theo giáo sư Vishnu Reddy - trưởng chiến dịch: "Đây là nỗ lực rất nhiều đài quan sát, các phòng thí nghiệm và trường ĐH danh tiếng trên toàn thế giới. Giờ chúng tôi có thể thu thập được dữ liệu và đánh giá khả năng quan sát các vật thể lân cận Trái đất".
Được biết, thiên thạch 2012 TC4 lần đầu xuất hiện vào năm 2012. Nó đi ngang qua Trái đất, nhưng ở một khoảng cách quá xa và mờ nhạt trong suốt 5 năm qua.
Đây là một dịp không thể tốt hơn để thử nghiệm "hệ thống phòng thủ hành tinh".
Nhưng lần này, 2012 TC4 bắt đầu tiếp cận Trái đất, với khoảng cách đủ để quan sát bằng kính tiềm vọng cỡ lớn. Trong đó, các chuyên gia đang hy vọng rằng hệ thống phòng ngự của Trái đất sẽ giúp giảm bớt sai số, khi dự đoán khoảng cách tiếp cận của thiên thạch.
"Đây là một mục tiêu hoàn hảo để luyện tập, vì chúng ta nắm rõ khả năng tiếp cận Trái đất của TC4, chỉ là không rõ chính xác con đường nó đi mà thôi" - Paul Chodas, quản lý dự án cho biết.