14 loại khẩu trang phòng Covid-19: Loại nào phản tác dụng nhất?
Hiện nay, mọi người đều được yêu cầu đeo khẩu trang để giảm sự lây lan của virus SARS-CoV-2, tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy, khẩu trang làm bằng vật liệu khác nhau có tác dụng khác nhau.
Khẩu trang N95 có tác dụng ngăn chặn gần như tất cả các giọt bắn lớn và nhỏ, làm giảm khả năng lây truyền SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, một số loại khẩu trang thực sự không có tác dụng do chúng biến những giọt bắn lớn có khả năng lây nhiễm virus thành những giọt bắn nhỏ hơn có thể tồn tại lâu hơn trong không khí.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Duke (Mỹ) cho biết, phát hiện này cho thấy không phải tất cả các loại khẩu trang đều có tác dụng như nhau. Đồng thời, nghiên cứu cũng đưa ra lời khuyên cho người dân Mỹ về những điều nên và không nên khi đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học sử dụng một hộp đen được trang bị tia laser và camera điện thoại. Một người đeo khẩu trang sẽ nói theo hướng của chùm tia laser bên trong hộp. Lượng giọt bắn phân tán theo chùm tia được camera phía sau hộp ghi lại. Sau đó, một thuật toán máy tính sẽ đếm các giọt bắn được nhìn thấy trong video để xác định có bao nhiêu giọt bắn đã thoát ra ngoài.
Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí khoa Science Advances đã xem xét 14 loại khẩu trang và khăn che mặt khác nhau bao gồm: khẩu trang phẫu thuật 3 lớp, khẩu trang N95 có van thở, khẩu trang dệt kim, khẩu trang polypropylene 2 lớp, khẩu trang cotton polypropylene, khẩu trang Maxima AT 1 lớp, khẩu trang cotton 2 lớp, khẩu trang cotton 1 lớp, khăn trùm từ cổ lên mặt, khăn buộc đầu, khẩu trang N95 không có van thở.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy, khẩu trang N95 được thiết kế để ngăn 95% các giọt bắn xâm nhập vào hoặc bắn ra ngoài là loại khẩu trang hiệu quả nhất. Khẩu trang phẫu thuật 3 lớp và khẩu trang cotton tự chế cũng có thể tránh đưa giọt bắn ra ngoài.
“Các loại khăn che mặt bằng cotton có khả năng che phủ tốt, có thể ngăn một lượng giọt bắn đáng kể lọt ra ngoài khi nói chuyện thông thường”, nhóm nghiên cứu cho biết.
14 loại khẩu trang và khăn che mặt khác nhau được sử dụng trong nghiên cứu. (Ảnh: Daily Mail).
Tuy nhiên, khăn trùm từ cổ lên mặt và khẩu trang dệt kim là những phương pháp che chắn kém hiệu quả. Trông chúng có vẻ thời trang nhưng hầu như không ngăn được bất kỳ giọt bắn nào. Nguyên nhân do chúng có thể khiến các giọt bắn lớn khi chạm vào vỡ thành nhiều giọt nhỏ, trượt ra khỏi các bề mặt dễ dàng.
Tiến sĩ Martin Fischer, Phó Giáo sư nghiên cứu hóa học nói với CNN: “Chúng tôi khuyến khích mọi người đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nhưng chúng tôi muốn mọi người đeo loại khẩu trang thực sự có tác dụng”.
Nhóm nghiên cứu cho biết, mọi người nên tiếp tục sử dụng khẩu trang để phòng dịch Covid-19 nhưng cũng lưu ý rằng, nghiên cứu của họ sẽ giúp người Mỹ đưa ra quyết định sáng suốt trong việc lựa chọn những gì tốt nhất để bảo vệ sức khỏe.
Tiến sĩ Eric Westman, Phó Giáo sư y khoa tại Đại học Duke cho biết: “Nếu tất cả mọi người đều đeo khẩu trang, điều này sẽ giúp ngăn chặn tới 99% giọt bắn có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2”.
“Trong trường hợp vaccine ngừa Covid-19 không được điều chế thành công, đeo khẩu trang là biện pháp duy nhất để bảo vệ bản thân bạn cũng như người khác”, ông Westman nói thêm.
- Vắc-xin đầu tiên trên thế giới chống Covid-19 sẽ được đăng ký vào tuần tới
- Nhà khoa học Harvard tự chế vắc-xin Covid-19 dạng xịt mũi và thử nghiệm trên bản thân mình
- Vaccine của Novavax (Mỹ) tạo được phản ứng miễn dịch với Covid-19