1600 con gấu trúc đối mặt sự đe dọa từ bầy ngựa

1.600 con gấu trúc còn sót lại trong tự nhiên đang phải đối mặt với một mối đe dọa mới từ những chú ngựa.

Một nghiên cứu mới đây cho biết, nông dân ở tỉnh Tứ Xuyên đang mua rất nhiều ngựa về nuôi như một kênh đầu tư an toàn và thả cho bầy ngựa này ăn cỏ ở khu vực bảo tồn gấu trúc tại Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Wolong. Bầy ngựa đã gặm sạch các bụi tre trúc - nguồn thức ăn duy nhất của gấu trúc.

"Không cần phải là chuyên gia về gấu trúc mới hiểu được cảm giác khi đi qua những khu rừng trúc bị ngựa phá hoại. Đó là những nơi khỉ ho cò gáy nhất, thế mà dường như có ai vừa mới lái máy cắt cỏ đi qua chỗ này vậy", Vanessa Hull, một nghiên cứu sinh tại Trung tâm Hòa nhập Bền vững với Tự nhiên thuộc đại học bang Michigan (Mỹ) phát biểu.

Gấu trúc lớn rất cầu kỳ về chế độ ăn uống và môi trường sống. Chúng đòi hỏi những vùng rừng hẻo lánh, tách biệt và chỉ ăn tre trúc.


Gấu trúc đối mặt với một mối đe dọa mới. (Nguồn: livescience.com)

Phá rừng đã từ lâu là mối đe dọa đến môi trường sống của gấu trúc, và những người làm công tác bảo tồn thiên nhiên đã và đang tập trung hạn chế việc phá rừng để bảo vệ loài gấu này. Nhưng theo Hull và các cộng sự, diện tích rừng tre trúc tại các khu vực được bảo vệ đang dần biến mất.

Các nhà nghiên cứu đã nói chuyện với người nông dân và biết được họ nghe những người ở nơi khác nói rằng đầu tư nuôi ngựa sẽ lãi to. Tuy nhiên, ngựa lại bị cấm ăn cỏ ở khu vực nuôi gia súc nên họ phải thả rông chúng vào khu bảo tồn Wolong.

Trong 10 năm từ 1998-2008, số lượng ngựa tại Wolong đã tăng từ 25 con lên đến 350 con. Những con ngựa này thuộc khoảng 30 đàn ngựa khác nhau.

Hull và các cộng sự đã tiếp cận 4 đàn ngựa và đeo cho những con ngựa trong đàn dây đeo cổ có thiết bị định vị GPS. Họ phát hiện ra nơi kiếm ăn của lũ ngựa chồng chéo lên nơi kiếm ăn của gấu trúc, và cả hai loài này đều thích những sườn dốc nắng ấm với những khoảnh rừng tre trúc.

Với việc một con ngựa và một con gấu trúc ăn lượng tre trúc tương đương nhau, 20 con ngựa cùng kiếm ăn sẽ nhanh chóng quét sạch khoảnh rừng, chỉ để lại rất ít thức ăn cho những con gấu đơn lẻ đến sau.

"Gia súc gây ảnh hưởng tới hầu hết các điểm bảo tồn đa dạng sinh học. Chúng chiếm 20% số lượng thú có vú trên Trái đất và do đó độc chiếm các nguồn tài nguyên quan trọng để duy trì hệ sinh thái mong manh của Trái đất", theo Jack Liu, một nhà khoa học về môi trường và con người tại Michigan.

Những phát hiện mới từ nghiên cứu này đã làm thay đổi tình hình bảo vệ gấu trúc. Những người đứng đầu Khu bảo tồn tự nhiên Wolong đã cấm thả ngựa vào khu bảo tồn.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất