3 loài rùa "biến hình" lạ lùng nhất ở Việt Nam

Nếu những loài rùa thông thường chỉ có thể rụt đầu và chân vào mai và vẫn để "hở da thịt" thì ba loài rùa độc đáo này có khả năng biến mình thành một chiếc hộp kín 100%.


Những loài rùa này đều được gọi bằng một cái tên là "rùa hộp". Đại diện đầu tiên có thể kể đến là rùa hộp lưng đen "Cuora amboinensis".


Loài rùa này có thể biến mình thành một chiếc hộp kín mít bằng cách rụt đầu, chân vào trong và "đậy nắp" lại. Khi đó chúng trở nên bất khả xâm phạm vì không để hở bất kỳ một phần cơ thể nào.


Chiếc "nắp hộp" của chúng chính là hai mảnh yếm có thể cử động. Đây là đặc trưng của rùa hộp mà các loài rùa khác không có. Khi đậy chặt "nắp", kẻ thù dù khéo léo đến mấy cũng không thể xâm hại đến các phần mềm của cơ thể rùa.


Rùa hộp lưng đen sinh sống chủ yếu tại các vùng đầm lầy miền Nam Việt Nam. Số lượng của chúng đang giảm mạnh do bị săn bắt vô tội vạ.


Rùa hộp trán vàng (Cuora galbinifrons) sinh sống tại các vùng rừng ẩm ướt của cả ba miền Việt Nam.


Cũng giống như rùa hộp lưng đen, rùa hộp trán vàng cũng có khả năng "đóng hộp" chính mình nhờ hai chiếc nắp yếm đặc biệt.


Đây là một loài rùa đẹp, được nưa chuộng tại nhiều vườn thú trên thế giới. Chúng cũng là đối tượng bị nhiều người săn lùng làm sinh vật cảnh.


Do bị săn lùng ráo riết, số lượng rùa hộp trán vàng ở Việt Nam còn rất ít. Chúng đã được đưa vào danh sách những loài động vật nằm trong tình trạng nguy cấp.


Đại diện cuối cùng của các loài rùa hộp ở Việt Nam là rùa hộp ba vạch (Cuora trifasciata), xuất hiện ở một số vùng rừng núi và trung du thuộc miền Bắc Việt Nam.


Đây là loài rùa nổi tiếng vì các tin đồn cho rằng loài chúng là nguyên liệu để chế biến thuốc chữa ung thư. Từ vài thập niên trở lại đây, rùa hộp ba vạch ở Việt Nam đã bị thương lái Trung Quốc săn lùng ráo riết.


Càng trở nên khan hiếm, giá của chúng càng bị đẩy lên cao, hiện tại vào khoảng 300 triệu đồng/kg dành cho rùa bắt được trong rừng. Giá của rùa nuôi nhân tạo "rẻ" hơn, chỉ khoảng 60 triệu đồng/kg.


Theo các chuyên gia, rùa hộp ba vạch gần như đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất