3 lý do khiến hoạn quan không có chỗ "dung thân" trong hoàng cung Nhật Bản thời xưa

Trong khi nhiều quốc gia phong kiến châu Á đều tồn tại chế độ hoạn quan, thái giám thì tầng lớp này lại vắng bóng trong hoàng cung Nhật Bản thời xưa.

Trải qua hàng ngàn năm phong kiến, chế độ hoạn quan, thái giám tồn tại ở Trung Hoa thời xưa vẫn thường bị người đời chê trách, lên án.

Nhưng không thể phủ nhận một sự thật rằng, tầng lớp thái giám đóng vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, đặc biệt là đối với cuộc sống cung đình.

Tuy xuất thân không cao, nhưng tầng lớp này từng xuất hiện những nhân vật nắm giữ quyền lực "dưới một người, trên vạn người", gây nên nhiều lục đục trong nội bộ triều chính, thậm chí trở thành kẻ đầu sỏ làm nên sự biến đổi của cả một triều đại.

Nói tới các quốc gia châu Á, không khó để nhận thấy Nhật Bản là một đất nước có nhiều điểm tương đồng với Trung Hoa về lịch sử, văn hóa. Nhưng điều kỳ lạ lại nằm ở chỗ, khi rất nhiều quốc gia phong kiến đều tồn tại chế độ thái giám, thì hoàng cung nước Nhật xưa kia lại chẳng có lấy một bóng hoạn quan.

Vậy đâu là lý do khiến giai cấp hoạn quan, thái giám không có cửa ở xứ Phù Tang thời xưa?

Nguyên nhân giải thích cho sự xuất hiện của thái giám trong lịch sử


Hoạn quan, thái giám đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử Trung Quốc và vẫn được duy trì cho tới triều đại phong kiến cuối cùng tại đất nước này. (Ảnh minh họa).

Trong xã hội phong kiến Trung Hoa nói riêng, quyền lực Hoàng đế được xếp ở vị trí tối cao. Để duy trì huyết mạch hoàng gia, các vị vua thời xưa thường sở hữu cho mình một hậu cung với lượng lớn cung tần, mỹ nữ.

Những phụ nữ này đều được coi là người của Hoàng đế và tuyệt đối không được phép tư thông với người đàn ông khác.

Để đảm bảo sự trong sạch của các cung phi, hậu cung thường tuyển chọn một lượng lớn các cung nữ làm kẻ hầu người hạ.

Nhưng bởi sự hạn chế về yếu tố thể lực, sức khỏe, cung nữ chỉ thích hợp xử lý các việc vặt, mà sinh hoạt trong cung vốn có vô số công việc cần lao động tay chân nặng nhọc.

Đối tượng đảm đương những công việc ấy thích hợp nhất chỉ có thể là đàn ông. Nhưng muốn đảm bảo sự trong sạch nơi hoàng cung, những người đàn ông muốn vào đây làm việc đều phải trải qua "cung hình" (thiến) làm mất đi khả năng tính dục bình thường.

Đây chính là một trong số những nguyên nhân chủ yếu đưa đến sự xuất hiện của tầng lớp đặc biệt là thái giám trên vũ đài lịch sử.

Vì sao hoàng cung Nhật Bản vắng bóng hoạn quan, thái giám?


Hậu cung Nhật Bản không có quá nhiều cung tần mỹ nữ như ở Trung Hoa. (Ảnh minh họa).

Sự xuất hiện của thái giám được coi là giải pháp để giải quyết nhiều nhu cầu công việc trong hoàng cung.

Vậy vì sao chốn cung đình Nhật Bản xưa kia lại không có tầng lớp này? Nguyên nhân chủ yếu đến từ 3 lý do dưới đây:

Thứ nhất, nhu cầu sử dụng thái giám không cao

Ngoại trừ Võ Tắc Thiên, các Hoàng đế Trung Hoa cổ đại đều là nam. Thế nhưng tại Nhật Bản xưa, trong số 125 nhiệm kỳ Thiên hoàng lại có tới 8 vị là nữ.

Hậu cung của các nữ Thiên hoàng đương nhiên đều là nam giới. Vì vậy việc sử dụng thái giám là không cần thiết.

Hơn nữa, ngay cả với các Thiên hoàng là nam, thì hậu cung của họ cũng có rất ít cung tần mỹ nữ, nhiều là 10 người, thậm chí chỉ có 2,3 người. Số lượng này nếu so với tam cung lục viện của các Hoàng đế Trung Hoa thì quả thực thua xa.

Nhưng đây cũng là nguyên nhân khiến các công việc ở hậu cung Nhật Bản không nhiều, vì vậy số lượng người phục vụ cũng không cần quá cao.

Theo ghi nhận của các tư liệu lịch sử, người phục vụ trong hoàng cung Nhật khi xưa hầu hết đều là các đối tượng được chỉ định đặc biệt và xuất thân từ các gia đình quý tộc.


Sở hữu hậu cung khá khiêm tốn, nên sự xuất hiện của thái giám là không cần thiết ở hoàng cung Nhật thời xưa. (Ảnh minh họa).

Thứ hai, chế độ quản lý yêu cầu cao

Chế độ hoạn quan của Trung Hoa nhìn qua có vẻ rất đơn giản, nhưng thực tế đã phải trải qua hàng thế kỷ mới có thể hoàn thiện.

Chỉ riêng việc quản giáo các hành vi của thái giám cũng phải được đúc kết từ kinh nghiệm rút ra từ nhiều bài học xương máu trong lịch sử các triều đại.

Những quy định, quy chuẩn đối với tầng lớp này trải qua năm tháng cũng dần trở nên vô cùng phức tạp và nghiêm ngặt.

Ví dụ, chỉ riêng việc tuyển chọn thái giám nhập cung, kiểm tra thân thể định kỳ mỗi năm, bảo quản và hoàn trả dụng cụ thiến… đều phải được quy định rõ ràng.

Ngoài ra, thái giám được cho là những người mất khả năng sinh hoạt độc lập nên buộc phải dựa vào sự nuôi dưỡng của cung đình. Điều này buộc hoàng cung phải hao tốn rất nhiều tiền của cho số nhân lực này.

Bởi vậy, nếu không có nhu cầu sử dụng hoạn quan, thì hoàng cung Nhật Bản cũng không việc gì phải hao tâm, tổn sức, tiêu phí tiền của để nghĩ ra hàng loạt bộ luật cho thái giám và chi trả nhiều phí tổn cho họ.


Trong khi chế độ thái giám xuất hiện ở nhiều quốc gia phong kiến, đặc biệt là các nước châu Á, thì tầng lớp này lại vắng bóng trong hoàng cung Nhật Bản. (Tranh minh họa).

Thứ ba, kỹ thuật y học chưa đủ để đáp ứng

Dù ở thời đại nào, kỹ thuật "thiến" đều là một loại giải phẫu y học đòi hỏi trình độ cao.

Y học Trung Hoa thời xưa từng có thần y Hoa Đà phát minh ra thuốc mê và hoàn thiện kỹ thuật thiến động vật nên tầng lớp thái giám mới "có cửa" xuất hiện. Dù vậy, tỷ lệ thất bại trong quá trình này vào thời xưa vẫn ở mức rất cao.

Trong khi đó, Nhật Bản đến tận thế kỷ thứ 18 mới học được kỹ thuật thiến ngựa từ Trung Hoa. Hơn nữa, tại đất nước này thời bấy giờ, chỉ có cơ quan được chính quyền chỉ định mới có đủ điều kiện thực hiện thành công phẫu thuật này.

Vì thế, sự đi sau về y học cũng là một trong số nguyên nhân khiến chế độ hoạn quan không xuất hiện ở xứ sở Phù Tang.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất