'Củ lạc' khổng lồ trong vũ trụ

New York Times đưa tin phi thuyền Deep Impact bay cách sao chổi Hartley 2 khoảng 700 km vào lúc 10h sáng qua theo giờ địa phương. Đây là khoảng cách ngắn nhất giữa sao chổi Hartley 2 và tàu vũ trụ. Theo AP, Deep Impact tới vị trí gần sao chổi Hartley 2 nhất khi nó cách trái đất khoảng 21 triệu km. Ngay sau đó cần ăng-ten tốc độ cao của tàu hướng về phía trái đất để phi thuyền gửi những ảnh mà nó chụp được về trung tâm điều khiển trong Phòng thí nghiệm lực đẩy phản lực của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

Khi bức ảnh đầu tiên hiện ra trên màn hình máy tính, các nhà khoa học chỉ thấy một chấm trắng nhỏ vì khi đó tàu cách sao chổi vài nghìn km. Vài giờ sau họ nhận được bức ảnh thứ hai và thấy một thiên thể giống như củ lạc. Bụi và khí liên tục phun ra từ bề mặt của nó.

Giới khoa học quan tâm tới các thiên thạch vì chúng là tàn dư của quá trình hình hành hệ Mặt Trời cách đây khoảng 4,5 tỷ năm. Việc nghiên cứu chúng có thể giúp các chuyên gia tìm được nhiều thông tin hữu ích về sự hình thành và tiến hóa của các hành tinh, trong đó có trái đất.

Phi thuyền Deep Impact được phóng lên vũ trụ vào ngày 4/7/2005 để bắn một thiết bị thăm dò xuống sao chổi Tempel 1. Cú va chạm khiến một đám mây bụi bắn ra không gian, cho phép các nhà khoa học nghiên cứu cấu tạo của sao chổi. Sau đó NASA tiếp tục đưa Deep Impact tới sao chổi Boethin vào năm 2008, song họ không tìm thấy nó. Cuối cùng Hartley 2 trở thành mục tiêu mới của tàu. Với chiều dài khoảng 2,4 km, nó là sao chổi nhỏ nhất từng được chụp ảnh ở cự li gần. Trong lúc bay về phía Hartley 2, tàu đã quan sát các ngôi sao có hành tinh xung quanh trong nhiều tháng.

Fox News cho hay, trước khi tàu Deep Impact bay sát sao chổi Hartley, con người mới chỉ chụp ảnh cận cảnh sao chổi 4 lần.

Video về sao chổi Hartley 2 được quay từ tàu vũ trụ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất