'Đào mỏ' nước ngọt trong lòng biển
Không phải tiến hành khoan thăm dò tràn lan, các nhà khoa học vẫn có thể tìm ra nguồn tài nguyên trong lòng biển, kể cả nước ngọt nhờ phương pháp ảnh điện 2D.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Bàng, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam đã thực hiện thành công phương pháp này tại bờ biển của thị xã Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu).
“Khi nghe tin đoàn khảo sát đến dò tìm nước ngọt dưới lòng biển, có một cụ ông ngạc nhiên đến gặp chúng tôi hỏi: Trong lòng biển làm gì có nước ngọt?”, tiến sĩ Bàng nhớ lại kỷ niệm khi cùng đoàn khảo sát đến Bạc Liêu tiến hành nghiên cứu.
Tiến sĩ Bàng cho biết, phương pháp ảnh điện 2D đã được áp dụng để tìm khoáng sản, nước ngọt... trong đất liền, nhưng để tìm ra nước ngọt dưới biển lại là việc hoàn toàn mới mẻ. Khó khăn lớn nhất khi thực hiện phương pháp này trong lòng biển là sự nhiễu từ của nước biển.
Trên một đường thẳng từ bờ ra biển dài 3km, cứ 20m các nhà khoa học lại gắn một điện cực thả ngập trong đáy biển. Các điện cực sẽ truyền tín hiệu vào bộ thu, qua bộ chuyển đổi, sau đó đưa vào máy tính để phân tích.
Dựa vào các thông số thu được, sẽ biết được cấu tạo địa chất dưới đáy biển. Nếu là khu vực có nước ngọt, điện trở sẽ lớn và ngược lại.
Độ sâu khảo sát có thể đến 200m, phụ thuộc vào chiều dài của các điện cực được gắn. Sai số kiểm tra so với thực tế khi dò tìm nước ngọt chỉ ở mức 2,58%.
Các nhà khoa học đã xác định được “mỏ” nước ngọt dưới lòng biển cách bờ 3km, độ sâu từ 48 – 106m tại phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu.
Tiến sĩ Trần Bình Trọng, chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết: Lâu nay, muốn khai thác tài nguyên dưới lòng biển đều phải khoan thăm dò tràn lan, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến lòng biển. Do vậy, Bộ Tài nguyên - Môi trường đánh giá rất cao kết quả nghiên cứu trên.
Nghiên cứu không chỉ phục vụ cho việc tìm nước ngọt trong lòng biển, mà còn mở ra phương pháp điều tra tài nguyên, khoáng sản trong thềm lục địa của Việt Nam.