'Khoanh vùng' thủ phạm gây phiền muộn và lo lắng
Một chất có tên FGF2 đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của não có thể là tác nhân khiến một số người dễ rơi vào trạng thái lo âu và trầm cảm.
FGF2 là một nhóm protein có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xương và hệ thần kinh. Chúng cũng giúp phục hồi chức năng thần kinh sau khi não bị tổn thương. Các chuyên gia thần kinh của Đại học Michigan (Mỹ) áp dụng công nghệ di truyền để tạo ra những con chuột có nồng độ FGF2 thấp hơn so với chuột bình thường. Họ nhận thấy chúng rất dễ rơi vào trạng thái lo lắng và sợ hãi.
Nhưng khi nhóm nghiên cứu cải thiện các điều kiện sống của chuột (như cho chúng khám phá đồ chơi mới hay sống trong lồng lớn hơn), nồng độ FGF2 trong não chúng tăng lên và chúng tỏ ra bớt lo âu hơn.
“Hàm lượng FGF2 tăng lên ngay sau khi chuột được tiếp cận với những điều kiện sống mới. Điều đó khiến chúng có những hành vi giống như chuột bình thường. Khi chúng tôi tiêm FGF2 vào cơ thể những con chuột ấy, chúng cũng tỏ ra bớt lo lắng”, Javier Perez, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Trước đó Perez và cộng sự đã nghiên cứu những người bị trầm cảm nặng trước khi họ từ trần. Các chuyên gia phát hiện gene làm giảm hàm lượng FGF2 trong não. Perez cho rằng hóa chất này có thể báo trước nguy cơ mắc chứng trầm cảm, lo lắng ở động vật. Tuy nhiên, lượng FGF2 có thể tăng lên nếu môi trường xung quanh có những thay đổi tích cực. Rất có thể những thay đổi ấy đã bảo vệ tế bào thần kinh.
Mặc dù cả chuột bình thường và chuột mắc chứng lo âu đều sản xuất số lượng tế bào thần kinh như nhau, song khả năng sóng sót của tế bào trong não chuột lo lắng thấp hơn nhiều. Cải thiện điều kiện sống hoặc tiêm chất FGF2 làm tăng khả năng sống sót của tế bào.
“Phát hiện này sẽ mở đường cho việc nghiên cứu các liệu pháp điều trị không dùng thuốc đối với chứng lo lắng và trầm cảm”, tiến sĩ Pier Vincenzo Piazza của Đại học Bordeaux (Pháp), phát biểu.