5 khám phá khoa học nổi bật nhất năm 2013

Ít nhất 100 tỉ ngôi sao trong thiên hà; tạo tế bào gốc phôi thai người bằng nhân bản vô tính tế bào da người; tàu Voyager-1 vượt qua ranh giới hệ Mặt trời; tìm thấy dấu hiệu một hồ nước ngọt từng chứa sự sống trên sao Hỏa; khai quật bộ xương sọ hoàn chỉnh - có niên đại khoảng 1,8 triệu năm tuổi.

Đó là bình chọn của Tạp chí National Geographic (Mỹ).

1. Nghiên cứu của các nhà thiên văn học từ Viện Công nghệ California (Mỹ) cho biết vũ trụ thật “đông đúc” khi họ phát hiện có ít nhất 100 tỉ ngôi sao trong thiên hà. Trong số đó có khoảng 1/5 tỉ ngôi sao có các hành tinh quay quanh gần giống Trái đất và được cho là “có khả năng tồn tại sự sống”. Một trong số đó là hành tinh Kepler-62f - hành tinh đá có kích thước tương đương Trái đất - đang quay quanh một ngôi sao như Mặt trời tại chòm sao Thiên Cầm nằm cách Trái đất 1.200 năm ánh sáng.


Hành tinh Kepler-62f - (Ảnh: NASA/AMES/JPL-CALTECH)

2. Các nhà nghiên cứu từ ĐH Y tế và khoa học Oregon (Mỹ) tuyên bố đã tạo thành công tế bào gốc phôi thai người bằng kỹ thuật nhân bản vô tính tế bào da người. Họ lấy các tế bào da trên cơ thể một người trưởng thành rồi đặt nhân của tế bào vào bên trong trứng mà họ đã bỏ nhân. Sau đó, họ dùng điện để kích thích trứng phát triển thành phôi thai. Họ kết luận từ tế bào gốc có khả năng phát triển được thành bất cứ mô nào trong cơ thể, do đó kỹ thuật nhân bản trên có thể được sử dụng nhằm phát triển các mô thay thế và các cơ quan khác để điều trị bệnh, như giúp con người phục hồi những tổn thương ở tim hoặc dây thần kinh cột sống.


Kỹ thuật nhân bản tạo ra phôi thai người - (Ảnh: OHSU PHOTOS)

3. Các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) xác nhận vào tháng 9/2013 tàu Voyager-1 đã trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên vượt qua ranh giới hệ Mặt trời. “Đây là một sự kiện lạ thường, lần đầu tiên vật thể do con người chế tạo đi vào vùng không gian giữa các vì sao” - ông Donald Gurnett, tác giả chính nghiên cứu phi thuyền Voyager-1, làm việc tại ĐH Iowa - nói với National Geographic. Voyager-1 rời Trái đất ngày 5-9-1977, được phóng đi với mục tiêu là khảo sát sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên vương và sao Hải vương. Mục tiêu này đã hoàn thành vào năm 1989. Các nhà khoa học cho hay “anh em sinh đôi” tàu Voyager-2 cũng sẽ sớm đi vào vùng không gian giữa các vì sao.


Minh họa tàu vũ trụ Voyager-1 - (Ảnh: LLUSTRATION COURTESY CALTECH/NASA)

4. Trong năm 2013, tàu Tò mò của NASA với sứ mệnh thám hiểm sự sống trên sao Hỏa có phát hiện thú vị là đã tìm thấy dấu hiệu một hồ nước ngọt từng chứa sự sống trên hành tinh đỏ cách đây khoảng 3,5 tỉ năm. Sau khi phân tích đá mịn dưới lòng hồ, họ cho biết đá mịn không có tính mặn, cũng không có tính axít và chứa nhiều dưỡng nhất carbon, hidro, oxy, nitơ và lưu huỳnh đủ điều kiện cho vi khuẩn phát triển.


Vị trí hạ cánh của tàu Tò mò (chấm màu xanh) tại khu vực miệng núi lửa Gale Crater trên sao Hỏa - (Ảnh: NASA/JPL-CALTECH/ESA)

5. Các nhà khảo cổ học đã khai quật một bộ xương sọ hoàn chỉnh - được gọi là Sọ 5, có niên đại khoảng 1,8 triệu năm tuổi - ở vùng Dmanisi, Georgia. Phát hiện này làm lịch sử tiến hóa loài người “có thể được viết lại”. Kết quả nghiên cứu Sọ 5 và so sánh với hài cốt của bốn tổ tiên khác của loài người khác được khai quật tại cùng một địa điểm cho thấy đây là một trong những thành viên đầu tiên của giống người Homo bao gồm Homo habilis, Homo rudolfensis và Homo erectus. Tuy chúng có nhiều đặc điểm khác nhau nhưng tất cả các chủng tộc Homo đều thuộc cùng một loài, trái ngược với các suy nghĩ trước đây rằng các đặc điểm khác nhau giữa những hóa thạch người Homo cho thấy họ là các chủng người khác nhau.


Hộp sọ 5 - (Ảnh: GEORGIAN NATIONAL MUSEUM)

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất