5 quan niệm sai lầm phổ biến về Trái Đất
Nhiều người tin Sahara là sa mạc lớn nhất thế giới, Trái Đất có dạng hình cầu, và Everest là ngọn núi cao nhất hành tinh, nhưng thực tế không phải như vậy.
Theo Business Insider, Trái Đất luôn ẩn chứa những điều bí ẩn đối với con người. Nhiều "sự thật" về Trái Đất mà chúng ta biết không hoàn toàn chính xác.
Sahara là sa mạc lớn nhất thế giới
Sa mạc không hẳn phải nóng và nhiều cát mà chỉ cần khô hạn và khắc nghiệt. Dựa trên tiêu chí trên, Sahara không phải là sa mạc lớn nhất thế giới. Danh hiệu này thuộc về Nam Cực.
Khí hậu của Nam Cực rất lạnh với lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 50mm, khiến rất ít sinh vật sống được. Diện tích của Nam Cực là 14 triệu km2, trong khi đó sa mạc Sahara chỉ đạt 9 triệu km2.
Đặt quả trứng đứng thẳng vào thời điểm xuân phân
Theo quan niệm của nhiều người phương Tây, chúng ta có thể dễ dàng đặt quả trứng đứng thẳng vào thời điểm xuân phân (khoảng 20 - 21/3 dương lịch). Vì xuân phân có độ dài ngày và đêm bằng nhau nên một số người cho rằng, ngày hôm đó có sự cân bằng lực hấp dẫn giữa Trái Đất và Mặt Trời. Nếu một người đặt được quả trứng đứng cân bằng trên tay, người đó sẽ gặp nhiều may mắn.
Chúng ta có thể đặt quả trứng cân bằng trên tay vào mọi thời điểm trong năm. (Ảnh: Tech Insider).
Về góc độ vật lý, vật thể nào cũng có một điểm trọng tâm, nếu trọng tâm rơi vào chân đế (điểm tiếp xúc giữa vật và mặt phẳng) theo phương thẳng đứng thì vật cân bằng. Khi dùng ngón tay giữ quả trứng, nếu điều chỉnh trọng tâm quả trứng rơi vào chân đế, quả trứng sẽ đứng thẳng. Chúng ta có thể làm điều này mọi ngày trong năm, chỉ cần vỏ trứng có kết cấu chắc chắn và giữ bàn tay ổn định.
Đỉnh Everest là đỉnh núi cao nhất thế giới
Đỉnh núi Everest cao 8.848m là đỉnh núi cao nhất thế giới so với mực nước biển. Nhưng nếu tính độ cao từ chân đến đỉnh núi thì Mauna Kea ở Hawaii, Mỹ mới là đỉnh núi cao nhất thế giới, với tổng chiều cao 10.200m (phần chìm dưới đáy biển là 6.100m).
Trái Đất là hình cầu hoàn hảo
Trái Đất không phải hình cầu hoàn hảo mà có dạng ellipsoid, dẹt ở hai cực và phình ra tại khu vực xích đạo. Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng ấm lên toàn cầu và băng tan chảy đang khiến Trái Đất phình ra to hơn.
Người thời xưa tin Trái Đất là một mặt phẳng
Không phải đa số người thời xưa đều tin vào quan niệm Trái Đất là một mặt phẳng. Pythagoras, sống ở thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, là người đầu tiên cho rằng Trái Đất hình cầu. Thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, Aristotle cũng đồng ý với quan điểm này. Aristotle quan sát thấy các chòm sao phía nam sẽ ở vị trí cao hơn trên bầu trời khi một người di chuyển về hướng nam. Ông cũng nhấn mạnh, khi xảy ra hiện tượng nguyệt thực, bóng của Trái Đất hình tròn.
- Những sai lầm "ngớ ngẩn" của khoa học trong lịch sử
- 5 quan niệm sai lầm khiến bạn mãi không thể hạnh phúc
- Lật tẩy những quan niệm "sai toét" mà ai cũng tin sái cổ