6 hiện tượng thiên nhiên tuyệt đẹp chỉ có vào mùa đông
Sấm tuyết, hoa sương đá, sương băng cứng... là những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú đến không ngờ.
Hiện tượng tuyết rơi xảy ra khi nhiệt độ xuống thấp, phân tử nước tụ họp lại với nhau, hình thành tinh thể đá nhỏ. Các tinh thể này dần tăng trọng lượng và rơi xuống dưới.
Bên cạnh đó còn có nhiều hiện tượng thiên nhiên khác cũng xuất hiện vào mùa đông mà bạn có thể chưa biết. Sau đây là một vài hiện tượng mà bạn không thể bỏ qua theo danh sách trang Mentafloss.
1. Sương muối
Một trong những dấu hiệu đầu tiên của mùa đông là sương muối cuối thu. Sương muối là hiện tượng hơi nước đóng băng thành các hạt nhỏ và trắng như muối ngay trên mặt đất hay bề mặt cây cỏ, vật thể khi không khí ẩm và lạnh.
Nó thường hình thành vào những đêm đông, trời lặng gió, quang mây. Tuy nhiên, sương muối không mặn mà chỉ trắng như muối, gần giống với lớp tuyết ở trong khoang lạnh của tủ lạnh.
Vào mùa thu, về đêm trời thường quang đãng, gió lặng, nhưng buổi sáng ta thấy những giọt nước long lanh đọng trên ngọn cỏ, lá cây. Đó là những hạt sương móc.
Nếu nhiệt độ mặt đất giảm xuống đủ thấp, sương móc sẽ ngưng kết thành thể rắn, xốp, có màu trắng như muối nên gọi là sương muối. Sương muối thường chỉ tồn tại trong vòng 1 đến 2 tiếng trước khi Mặt trời mọc. Đây là loại sương có kết tủa đẹp nhưng lại rất độc, gây hại cho các loại hoa màu và cỏ cây mùa đông.
2. Hoa sương giá
Hoa sương là tinh thể nước đá thường được tìm thấy ở những biển băng trẻ và các hồ băng mỏng. Các tinh thể nước đá này cũng gần giống sương muối nhưng phát triển với đường kính khoảng 3-4cm.
Hoa sương giá được hình thành trên biển băng mỏng khi không khí lạnh hơn nhiều so với lớp băng phía dưới. Thường sự khác biệt nhiệt độ giữa bề mặt băng và không khí cần ít nhất là 15°C.
Khi không khí ẩm ướt và ấm gặp lớp không khí lạnh nằm phía dưới sẽ trở nên bão hòa và có thể ngưng tụ như những tinh thể sương muối trên bề mặt băng biển.
Điều kiện để hoa sương giá tiếp tục phát triển đó là bề mặt phải luôn ẩm ướt và không được đóng băng. Khi băng phát triển quá dày, bề mặt trên của băng sẽ lạnh đi rất nhanh và hoa sương giá không thể phát triển.
Điều này có nghĩa là hoa sương giá thường chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong năm và chỉ tồn tại trong vài ngày đầu tiên của quá trình hình thành băng.
3. Sương băng cứng
Sương băng cứng được hình thành khi các giọt nước trong lớp sương mù bị đóng băng bao quanh bên ngoài vật thế. Nó thường được nhìn thấy trên những loại cây mọc trên đỉnh núi cao vào mùa đông, khi các đám mây tầng thấp gây ra sương mù đóng băng.
Sương băng cứng rất nguy hiểm, không như sương băng mềm chỉ tương tự như một lớp sương muối dày. Nó rất dày, cứng, nhọn và hoàn toàn trong suốt.
Mặc dù nó thường được nhìn thấy nơi có địa hình cao nhưng lớp phủ băng giá này cũng có thể hình thành bất cứ nơi nào mà sương mù và gió lạnh xảy ra đồng thời. Nó hiếm khi xuất hiện khi nhiệt độ dưới -8 độ C vì không khí lạnh không thể giữ đủ độ ẩm để tạo ra sương mù đóng băng.
4. Sấm tuyết
Sấm tuyết thường xảy ra ở những khu vực xung quanh hồ nước và ven biển. Ở những nơi này, ánh nắng Mặt trời có thể tạo ra nhiệt, hình thành các cột khí tương đối ấm áp và ẩm ướt, không ổn định, từ đó xuất hiện những đám mây hỗn loạn.
Nhưng những đám mây này nếu ở một mình không thể tạo ra sấm tuyết. Điều kiện để tạo ra sấm tuyết là lớp không khí giữa các đám mây và mặt đất ấm hơn so với lớp che phủ của tầng mây, nhưng vẫn đủ lạnh để tạo ra tuyết. Không chỉ vậy, hiện tượng này còn cần kết hợp với sức gió, giúp đẩy không khí nóng nhẹ lên trên, từ đó hình thành sấm tuyết.
Hầu hết các trường hợp tạo ra sấm tuyết đi kèm những cơn bão cực đoan, với cường độ gió cao, tia chớp nhẹ, cùng mới mật độ tuyết rơi khá dày, khoảng 6cm mỗi giờ.
5. Ảo nhật (Parhelia)
Ảo nhật hay Mặt trời giả là những điểm sáng xuất hiện cách Mặt trời khoảng 22 độ và có cùng một khoảng cách phía trên đường chân trời. Hiện tượng này đã được biết đến từ thời cổ đại và đôi khi được gọi là "đa Mặt trời".
Khi các tinh thể băng hình thành vòng hào quang, nó được định hướng một cách ngẫu nhiên, chúng hoạt động như một lăng kính theo tất cả các hướng. Và khi các tinh thể băng này "lọt" vào bầu khí quyển, nó có xu hướng rơi vào một liên kết theo chiều dọc, trong đó sẽ phản chiếu ánh sáng theo chiều ngang, lúc này, hiện tượng đa Mặt trời được hình thành.
“Ảo nhật” có thể được tạo ra khi Mặt trời ở bất kỳ vị trí nào trên bầu trời, nhưng thường được thấy rõ nhất khi Mặt trời ở vị trí thấp, gần đường chân trời.
6. Mặt trăng giả (paraselene)
Tương đương với ban ngày có hiện tượng “ảo nhật”, Mặt trăng giả là những điểm sáng xuất hiện ở vòng hào quang ban đêm (chiếc nhẫn Mặt trăng) có vị trí tọa độ khoảng 22 độ bên phải và 22 độ bên trái của Mặt trăng.
Nó xảy ra khi các tinh thể băng xếp thẳng hàng theo chiều dọc trong không khí và khúc xạ ánh sáng theo chiều ngang. Trong văn hóa dân gian, những "chiếc nhẫn Mặt trăng" được cho là để dự đoán các cơn bão và khi “ Mặt trăng giả” xuất hiện, người ta tin là cơn bão sắp tới sẽ khá mạnh.
Các “Mặt trăng giả” khó có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường vì ánh sáng của nó không đủ để kích hoạt các tế bào hình nón của mắt con người.