6 loài vật có khả năng thích nghi tuyệt vời nhất trong sa mạc khô cằn

Sa mạc nắng nóng, thiếu nước, nhưng động vật vẫn phải tồn tại. Bằng cách nào thì bạn sẽ biết ngay sau đây.

Nói đến sa mạc là nói đến khô cằn, nắng nóng đến kiệt quệ. Song ngay cả trong mảnh đất dường như chỉ toàn cát là cát ấy, động vật cũng vẫn sống. Và để tồn tại trong cái khó, chúng "ló" ra đủ loại "cái khôn".

1. Cáo Fennec: Tiêu tán nhiệt qua đôi tai lớn

Cáo Fennec (Vulpes zerda) còn được gọi là cáo Bắc Phi, chủ yếu sinh sống tại sa mạc Sahara, bán đảo Sinai, sa mạc Arava và sa mạc Ả Rập.

Đặc trưng của cáo Fennec là đôi tai cực kỳ lớn. Chúng không chỉ khiến cho khuôn mặt của con cáo trở nên quá sức dễ thương, mà còn là công cụ xử lý nhiệt độ cơ thể đặc biệt hữu hiệu nữa.

Trên khắp vành tai rộng ấy là các mạch máu cho phép cáo Fennec tiêu tán nhiệt lượng dư thừa. Thêm vào đó, đôi tai ấy còn cực kỳ nhạy bén, giúp chúng nghe được cả âm thanh của con mồi đang di chuyển trong lòng cát.

2. Cầy Meerkat: Biến đôi mắt thành cặp kính mát

Trong khi cáo Fennec đầu tư cho đôi tai để thuận lợi sống về đêm, cầy Meerkat (Suricata suricatta) lại chọn biến đổi cặp mắt để kiếm ăn giữa trưa nắng gắt.

Trong đôi mắt của chúng có các mảng màu đen, hoạt động như chiếc kính mát tự nhiên vậy. Nhờ đó, cầy Meerkat có thể kiếm ăn cả vào ban trưa, khi ánh Mặt trời chói chang nhất.

Đặc biệt, đôi mắt này còn có một màng bảo vệ để che chắn cho con ngươi khỏi bị bụi bẩn tấn công trong lúc chúng dùng chân bới đất đào hang.

3. Chuột Acomys: Tái tạo da cực nhanh

Sa mạc tuy khắc nghiệt nhưng vẫn đầy rẫy các động vật săn mồi. Và vì có động vật săn mà nảy ra một số con mồi khôn ngoan bậc nhất. Chuột Acomys là một "con mồi" như thế.

Da của chuột Acomys cực kỳ mỏng và rất dễ bị rách. Nhưng đó không phải điểm yếu của loài chuột này, mà là chiến thuật thoát thân cực kỳ hiệu nghiệm. Khi bị động vật săn mồi tấn công, chuột Acomys sẽ "thí" luôn chúng một mảng da, vì nó có thể tái tạo phần da đã mất rất nhanh.

Không chỉ có da, chuột Acomys còn có thể tái sinh cả lớp lông, tuyến mồ hôi, thậm chí là cả sụn nữa.

4. Sóc đất Nam Phi: Lấy đuôi làm lọng che đầu

Sóc đất Nam Phi (Xerus inauris) là loài thú gặm nhấm khá phổ biến ở các vùng khô hạn nhất của Nam Phi. Chúng đặc biệt bởi có một thói quen hết sức đáng yêu, đó là lấy luôn cái đuôi bông của mình làm ô che nắng.

Có hành vi đó là vì tập tính kiếm ăn vào ban ngày. Chúng cũng ưa đào hang rộng và mở lắm ngõ ngách, có khi lên đến cả 100 lối ra vào cho 1 hang.

70% hoạt động hàng ngày của sóc đất Nam Phi là đi kiếm ăn ở ngoài trời. Và để đỡ bị nắng thiêu đốt, chúng cong cái đuôi bông xù lên mà che lưng, che đầu cho mát.

5. Quái vật Gila: Ăn một lần cho cả vài tháng

Quái vật Gila (Heloderma suspectum) là một loài kỳ giông có độc thường thấy có ở Tây Nam Hoa Kỳ và Mexico. Nó có vẻ ngoài béo ục béo ịch, nhưng lại chỉ ăn có 5-10 bữa/năm.

Đổi lại, mỗi một lần ăn, quái vật Gila có thể "ních" một lượng thức ăn bằng hẳn 1/3 trọng lượng cơ thể. Chất béo sẽ được tích trữ trong cái đuôi to mập, đủ để nó lấy ra dùng dần cả vài tháng.

6. Gà lôi đuôi dài: Khỏi cần uống nước suốt đời cũng được

Gà lôi đuôi dài (Geococcyx) cũng là động vật thường gặp ở tây nam Hoa Kỳ và México. Nó có khả năng bay từng đoạn ngắn, nhưng lại chẳng mấy khi sử dụng đến cặp cánh, chỉ thích chạy bộ.

Tốc độ chạy của gà lôi đuôi dài khá ấn tượng, có thể nhanh tới 42km/h. Nhưng cái độc đáo hơn cả là loài chim này không cần uống nước. Nó thậm chí có thể sống cả đời mà không chạm vào một giọt nước nào.

Nhưng như vậy thì vô lý quá, vì làm gì có sinh vật nào sống mà không cần nước? Thực ra thì chúng vẫn cần nước, nhưng loài vật này đã hấp thụ đủ hơi ẩm trong thức ăn hàng ngày rồi - từ côn trùng, thằn lằn, bọ cạp, cho đến các loài chim nhỏ hơn.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất