7 câu hỏi về đồng tiền ảo bitcoin giúp bạn thấu hiểu nó

Bitcoin là gì? Làm sao để kiếm được Bitcoin? Bitcoin có thể dùng vào việc gì? Và nhiều câu hỏi khác mà bạn sẽ cần biết nếu đang có ý định đầu tư vào đồng tiền đang rất "nóng" này.

Nếu bạn chưa biết thì vào đầu năm 2011, đồng tiền ảo này chỉ có giá dưới 1 USD. Do đó, đợt tăng giá bất ngờ này đã khiến nhiều người tự hỏi liệu có nên chú ý vào công nghệ này hay không. Coinbase - một dịch vụ trao đổi USD và Bitcoin phổ biến - mới đây đã tuyên bố có 13 triệu người dùng, do đó có thể thấy rằng hầu như mọi người quan tâm đến lĩnh vực tài chính và công nghệ đều đã ít nhiều biết về Bitcoin. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người khác "mù mờ" về đồng tiền ảo này.

Bài viết dưới đây từ trang ArsTechnica sẽ là một cẩm nang nhỏ cho những người có dự định đặt chân vào thị trường Bitcoin.

1. Bitcoin là gì?

Từ Bitcoin thực ra mang 2 ý nghĩa khác nhau. Bitcoin với chữ B viết hoa dùng để chỉ một mạng lưới thanh toán, ví dụ như MasterCard là một mạng lưới thanh toán. Bitcoin với chữ b viết thường thì dùng để chỉ đơn vị tiền tệ của mạng lưới thanh toán Bitcoin, ví dụ như MasterCard sử dụng USD tại Mỹ.

Điều làm Bitcoin khác với MasterCard, PayPal và các mạng lưới thanh toán khác vào thời điểm nó ra đời năm 2008 là việc Bitcoin là mạng lưới thanh toán đầu tiên trên thế giới có tính chất phân quyền. Nghe có vẻ khó hiểu, nhưng lại khá đơn giản: mạng lưới MasterCard được điều hành bởi Tập đoàn MasterCard Inc., còn đối với Bitcoin thì không có tập đoàn nào điều hành cả. Bitcoin là một mạng ngang hàng cùng tham gia quản lý một "sổ cái" ghi lại chi tiết mọi giao dịch, còn gọi là blockchain.

Việc tạo ra một đồng tiền mới là một hệ quả không thể tránh khỏi khi mạng lưới Bitcoin hoạt động dưới hình thức phân quyền. Trong một mạng lưới thanh toán truyền thống, người chủ sở hữu mạng lưới hứa hẹn sẽ hoàn trả lại số dư cho các loại tiền tệ truyền thống như USD hay Euro. Nhưng không có "công ty Bitcoin", do đó không có ai để đảm bảo rằng số dư Bitcoin sẽ có bất cứ giá trị nào. Bitcoin vượt trên các đồng tiền truyền thống, với giá trị được quyết định bởi cung và cầu.


Bitcoin là mạng lưới thanh toán đầu tiên trên thế giới có tính chất phân quyền.

Tất nhiên, không hề có một "đồng bitcoin" thật nào ngoài đời (như hình ảnh ở trên). Bitcoin chỉ là những dòng mã trong một blockchain Bitcoin. Nếu bạn sở hữu một vài bitcoin có nghĩa là bạn đang sở hữu một vài khoá mã hoá lưu trữ trên máy tính, đĩa cứng gắn ngoài, hay được in ra trên giấy. Những khoá mã hoá này sẽ cho phép bạn sử dụng số dư bitcoin tương tự như việc bạn sử dụng mật mã trên website của ngân hàng để sử dụng tiền trong tài khoản vậy. Khác biệt ở đây là bạn không thể rút bitcoin ra khỏi mạng lưới như rút tiền từ ngân hàng được.

2. Nếu bitcoin không liên kết với một đồng tiền truyền thống nào thì làm sao nó lại có giá trị vậy?

Khi mạng lưới Bitcoin được tạo ra vào năm 2009, đồng bitcoin có giá trị cực kỳ thấp. Giao dịch Bitcoin đầu tiên trong thế giới thực diễn ra vào tháng 5/2010, khi một người dùng Bitcoin trả cho một người dùng khác 10.000 bitcoin để mua 2 chiếc bánh pizza. Vào thời điểm đó, bitcoin có giá trị thấp hơn cả 1 xu.

Thế nhưng khi cộng đồng Bitcoin phát triển, giá trị của bitcoin cũng tăng dần lên. Vào tháng 4/2011, nó đã có giá 1 USD, và đây là khởi điểm của bong bóng Bitcoin đầu tiên. Truyền thông tập trung quanh Bitcoin đã thu hút nhiều người dùng mới, khiến giá đồng tiền này tăng lên nhanh. Ngược lại, việc tăng giá này lại tiếp tục thu hút thêm giới truyền thông. Đến tháng 6/2011, bitcoin có giá hơn 30 USD, rồi nhanh chóng rớt xuống chỉ còn 2 USD vào cuối năm 2011.

Vòng lặp này diễn ra hai lần nữa vào năm 2013. Tháng 5/2013, giá bitcoin tăng mạnh lên hơn 250 USD rồi rớt xuống khoảng 80%. Tiếp đó, cuối năm 2013, giá bitcoin lại tăng mạnh lên hơn 1.000 USD rồi lại rớt xuống khoảng 80% một lần nữa. Đợt bùng nổ giá hiện tại, vốn đã kéo đồng tiền này từ 200 USD vào đầu 2015 lên hơn 11.000 USD vừa qua, là đợt bùng nổ giá thứ tư của Bitcoin.

Mỗi đợt bùng nổ giá - cũng như hầu hết mọi bong bóng trong suốt chiều dài lịch sử - đều có nguyên nhân xuất phát từ các vòng lặp giá công khai. Cụ thể, trong suốt mỗi đợt tăng giá, có nhiều sự kiện mà giới truyền thông sẽ chú ý và đưa tin khiến dư luận quan tâm hơn đến đồng tiền này, trong số đó sẽ có nhiều người quyết định mua bitcoin. Nhiều người mua bitcoin sẽ đẩy giá nó lên cao hơn nữa, và càng thu hút sự chú ý của giới truyền thông và dư luận hơn.

Quá trình này đã làm được một điều mà hầu hết mọi người nghĩ rằng bất khả thi trong thập kỷ trước: một đồng tiền thực sự giá trị nhưng lại không được "chống lưng" bởi một loại hàng hoá nào, như vàng hay bạc, hay bởi một tổ chức quyền lực như chính phủ hay ngân hàng. Giá bitcoin tăng bởi ngày càng nhiều người tin rằng giá trị của nó sẽ tiếp tục tăng theo thời gian. Câu hỏi ở đây là liệu họ có nghĩ đúng hay không?

3. Tại sao tôi lại muốn sử dụng Bitcoin?

Nếu bạn là một người tiêu dùng thông thường, có lẽ bạn sẽ không muốn sử dụng Bitcoin. Dù cố gắng trong rất nhiều năm qua, nhưng các startup về Bitcoin vẫn chưa thể xây dựng được các ứng dụng thanh toán mà người tiêu dùng thông thường cảm thấy hữu ích.


Một cây ATM Bitcoin ở New Mexico, Mỹ.

Một trong những ứng dụng được thảo luận thường xuyên nhất về mạng lưới Bitcoin là chuyển tiền quốc tế. Các mạng lưới tài chính truyền thống như Western Union và Moneygram đều quá đắt đỏ và tốn nhiều thời gian để hoàn tất việc chuyển tiền. Trên lý thuyết, hệ thống chuyển tiền bằng Bitcoin sẽ rẻ và nhanh hơn nhiều.

Thế nhưng trên thực tế, Bitcoin vẫn đang gặp khó khăn để thu hút sự chú ý như là một nền tảng dành cho kiều hối. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân lớn nhất là phí chuyển tiền của các ATM Bitcoin - vốn cho phép người dùng chuyển đổi tiền mặt sang bitcoin và ngược lại. Mức phí giao dịch trung bình của một ATM Bitcoin hiện tại vào khoảng 9% nếu bạn mua bitcoin, và 6% nếu bạn bán bitcoin. Nghĩa là để chuyển tiền ra nước ngoài cho một người bạn hoặc gia đình thông qua ATM Bitcoin, nhiều khả năng bạn sẽ phải trả phí giao dịch đến mức 15%, chưa kể phí giao dịch bên trong mạng lưới Bitcoin khoảng 5 USD nữa!

Có rất nhiều công ty đang tìm cách cải thiện trải nghiệm thanh toán quốc tế bằng Bitcoin, đặc biệt là các công ty châu Á. Có thể họ sẽ tìm ra cách để các thanh toán này nhanh, tiện và phí rẻ hơn, nhưng ở thời điểm hiện tại thì họ vẫn chưa đạt được tiến độ cần thiết.

Bitcoin còn dính tiếng xấu bởi các giao dịch bất hợp pháp. Nhiều website "đen" hoạt động trên nền tảng Tor (duyệt web ẩn danh) đã xuất hiện, đóng vai trò như chợ trực tuyến eBay nhưng dành cho các loại hàng cấm. Các website này dựa trên Bitcoin bởi nếu sử dụng các tài khoản trên các mạng lưới thẻ tín dụng truyền thống thì khả năng bị đánh sập là rất cao. Không ai có khả năng ngăn chặn người khác sử dụng Bitcoin cả!

Ngoài ra, Bitcoin cũng khá phổ biến ở một số quốc gia như Argentina và Venezuela, nơi có các đồng tiền truyền thống bất ổn định, hoặc có các hệ thống tài chính rối loạn.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, nếu bạn là một người bình thường ở Mỹ hay các quốc gia giàu có ở châu Âu, bạn không muốn mua thuốc cấm hay đầu cơ vào tương lai Bitcoin, thì rõ ràng Bitcoin không dành cho bạn, hoặc chưa.

4. Nếu Bitcoin có tính ứng dụng thực tế thấp vậy, làm cách nào mà nó lại có giá trị vốn hoá thị trường lên đến gần 200 tỷ USD?

Rất có thể điều này xảy ra bởi các nhà đầu cơ Bitcoin chỉ đang ảo tưởng và giá bitcoin không sớm thì muộn sẽ lao dốc. Tuy nhiên vẫn còn một số khả năng khác.

Đầu tiên, có thể nền kinh tế Bitcoin vẫn còn đang ở giai đoạn đầu. Internet cần 25 năm để phát triển từ một công nghệ thử nghiệm - ARPANET năm 1969 - trở thành một hiện tượng toàn cầu - Netscape năm 1994. Bitcoin hiện vẫn là một công nghệ khá trẻ, với thời gian xuất hiện mới chỉ 8 năm. Bitcoin sẽ có thể trở thành một thành phần quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu, miễn là chúng ta cho nó thêm 5, 10 hoặc 20 năm để có thể tìm ra những cách ứng dụng công nghệ này một cách hiệu quả.

Khả năng thứ hai, Bitcoin sẽ có những ứng dụng quan trọng, nhưng không phải dành cho người tiêu dùng thông thường. Ví dụ, mạng lưới Bitcoin thu một khoản phí giao dịch như nhau đối với mọi giao dịch, dù bạn chuyển 10 USD hay 10 triệu USD, nên nó có thể trở thành một phương thức chuẩn hoá để chuyển một lượng lớn tiền ra nước ngoài cho mục đích giao thương quốc tế hoặc đầu tư. Các công ty lớn khá bảo thủ, do đó sẽ phải mất nhiều năm để xây dựng những cơ sở hạ tầng cần thiết có khả năng hỗ trợ những loại giao dịch như vậy, và thêm nhiều năm nữa để thuyết phục họ sử dụng chúng.

Một khả năng tiếp theo: Bitcoin đang trở thành một loại tiền tệ dự trữ cho một nền kinh tế tiền ảo rộng lớn hơn, giống như đồng USD là đồng tiền mặc định cho giao dịch quốc tế. Bitcoin có những thị trường sâu hơn và những dịch vụ chuyển đổi tiền tệ tinh vi hơn nhiều so với các đồng tiền ảo khác. Do đó khi người ta muốn mua một đồng tiền ảo khác ít được biết đến hơn, đầu tiên họ phải dùng USD để mua bitcoin trước, rồi dùng bitcoin để mua các đồng tiền khác như dash hay litecoin. Khi nền kinh tế tiền ảo này phát triển mạnh hơn, nó sẽ đẩy giá bitcoin lên cao hơn nữa.

Khả năng cuối cùng: Bitcoin sẽ trở thành một nguồn dự trữ giá trị như vàng. Vàng có giá trị thực dụng trong nhiều ngành công nghiệp và kim hoàn, nhưng hầu hết vàng trên thế giới đều được bảo quản trong các kho tàng và dưới các hầm ngầm như một giải pháp dự trữ tiền tài lâu dài. Người ta thích giữ vàng vì vàng gọn nhẹ, dễ cất giữ, và tồn tại bên ngoài hệ thống tài chính truyền thống.

Bitcoin cũng có những lợi thế tương tự. Bạn có thể lưu trữ số bitcoin trị giá hàng triệu USD trong một ổ cứng nhỏ gọn, hoặc thậm chí là trên một mảnh giấy. Miễn là khoá mã hoá được bảo mật tốt, bitcoin sẽ không thể bị tận dụng bởi bất kỳ chính phủ nào. Bitcoin còn có một lợi thế lớn mà vàng không có là nó có thể được chuyển đi khắp thế giới theo phương thức điện toán.

5. Thuyết phục được tôi rồi đấy. Giờ làm sao tôi mua bitcoin?


Đầu tư vào bitcoin là vô cùng mạo hiểm.

Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng tôi cần nhấn mạnh rằng đầu tư vào bitcoin là vô cùng mạo hiểm. Bitcoin từng có lịch sử giảm 80% giá trị chỉ trong vòng vài ngày. Và dù bitcoin đã hồi phục sau nhiều cú sụt giá, thậm chí còn tăng cao hơn trước đó, nhưng không có gì đảm bảo nó sẽ hồi phục sau lần sụt giá tiếp theo. Do đó, đừng nên đầu tư tiền nếu bạn không chịu được việc thất bại.

Bây giờ vào câu hỏi chính: mua bitcoin khá dễ dàng. Bạn cần vào một sàn giao dịch Bitcoin trực tuyến, tạo tài khoản, nạp một ít tiền vào tài khoản này thông qua dịch vụ Internet banking hoặc bất kỳ phương thức nào có thể. Lúc này bạn có thể dùng số tiền đó để mua bitcoin tại sàn giao dịch nêu trên.

Khi đã sở hữu bitcoin rồi, câu hỏi tiếp theo là nên để nó trong ví của sàn giao dịch hay rút về ví riêng của bạn. Có nhiều cách để tự mình lưu trữ bitcoin, ví dụ: lưu trữ các khoá mã hoá trên ổ cứng, lưu trên các ứng dụng ví điện tử, in khoá mã hoá ra giấy và cất mẩu giấy này vào một nơi an toàn.

Tất cả các lựa chọn nêu trên đều tiềm ẩn rủi ro. Nếu lưu trữ trên sàn giao dịch, bạn có thể mất bitcoin nếu sàn giao dịch bị hack, hoặc dính sự cố từ phía nhà quản lý, hoặc lừa đảo. Năm 2014, sàn giao dịch bitcoin lớn nhất lúc đó là Mt. Gox đã tuyên bố phá sản sau khi số bitcoin trị giá hàng triệu USD bị hacker "cuỗm" mất. Một số dịch vụ bitcoin khác thì biến mất khỏi Internet cùng toàn bộ số bitcoin của khách hàng. Nền kinh tế Bitcoin không có các dịch vụ bảo hiểm tương tự như FDIC, do đó khi rơi vào các tình huống này, bạn chỉ có thể trách bản thân sao lại xui xẻo như vậy mà thôi!

Từ 2014 đến nay, giao dịch bitcoin đã tiến bộ lên nhiều, nhưng việc tự lưu trữ bitcoin cũng có những rủi ro riêng. Nếu ổ cứng của bạn bị hỏng và bạn chưa sao lưu, bitcoin của bạn sẽ mất vĩnh viễn. Nếu bạn in khoá mã hoá ra giấy rồi làm mất giấy, bitcoin của bạn sẽ mất vĩnh viễn. Nếu bạn lưu trữ bitcoin trong các ví điện tử trên web và quên mật mã, bitcoin của bạn cũng sẽ mất vĩnh viễn. Nếu ai đó cài một con malware ăn cắp bitcoin trên máy tính của bạn, bạn thậm chí có thể bị mất bitcoin cho dù lưu trữ theo bất kỳ phương thức nào.

Nói ngắn gọn, không có cách nào tuyệt đối an toàn để lưu trữ bitcoin, và những người mới chơi bitcoin là những người dễ gặp rủi ro hơn cả. Các nhà đầu tư bitcoin là những người phải dè chừng rủi ro bị mất cắp vì những biến cố hoặc trộm cắp nhiều nhất so với các nhà đầu tư các loại tài sản khác như chứng khoán và trái phiếu.

6. Bitcoin đang lên, làm sao tôi rút tiền mặt?

Nếu tiền của bạn đang lưu trữ trên các sàn giao dịch bitcoin, bạn chỉ cần thực hiện lệnh chuyển đổi bitcoin sang USD theo tỉ giá đang lên ở thời điểm đó. Sau khi hoàn tất, bạn có thể rút USD từ sàn giao dịch về tài khoản ngân hàng.

Thị trường bitcoin cho phép rút tiền mặt rất dễ dàng, do đó trừ khi bạn có số bitcoin trị giá hàng triệu USD, việc rút tiền sẽ không thành vấn đề. Các sàn giao dịch bitcoin lớn sẽ có những giới hạn rút tiền mặt mỗi ngày để hạn chế lừa đảo, nên nếu sở hữu quá nhiều bitcoin, bạn sẽ mất vài ngày đến vài tuần mới có thể rút được hết số tiền khổng lồ kia về lại tài khoản ngân hàng.

Một số người cho rằng giá trị vốn hoá thị trường 150 tỷ USD của bitcoin là không có thực bởi người ta không thể rút một lúc toàn bộ số tiền đó. Nhưng đây là một sự nhầm lẫn, bởi quy luật này áp dụng đối với mọi loại tài sản: hãy tưởng tượng nếu tỷ phú Jeff Bezos tìm cách bán toàn bộ cổ phần Amazon của ông cùng một lúc, thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ. Nhưng người ta vẫn nói rằng tài sản ròng của ông có giá trị gần 100 tỷ USD đấy thôi. Trên thị trường bitcoin luôn có đủ tính thanh khoản để mọi người, trừ những người chơi bitcoin cực kỳ giàu có, có thể nhanh chóng và dễ dàng chuyển đổi bitcoin của họ sang tiền truyền thống. Và thậm chí những người cực kỳ giàu có kia cũng có thể rút tiền mặt dần dần cho đến khi hết hoàn toàn nếu họ muốn.

7. Có đúng là Bitcoin tiêu tốn năng lượng kinh khủng không?

Đúng vậy, mạng lưới Bitcoin duy trì "sổ cái" (blockchain) bằng một tiến trình máy tính gọi là "đào". Các thợ đào cạnh tranh với nhau để giành quyền thêm block vào blockchain - mỗi lần thêm một block sẽ được thưởng 12,5 bitcoin - hoặc tương đương 125.000 USD.

Tiền điện là chi phí lớn nhất trong việc đào bitcoin, và bởi đây là một thị trường cạnh tranh khốc liệt nên các thợ đào sẽ tìm cách chi ngày càng nhiều tiền hơn vào mua điện cho đến khi số tiền mua điện ngang bằng với số tiền đào được. Mỗi giao dịch bitcoin sử dụng 271kWh điện, đủ điện cho một hộ gia đình ở Mỹ dùng trong 9 ngày.

Tuy nhiên, con số này thường được gán với mỗi giao dịch, và đã gây ra hiểu lầm. Mạng lưới Bitcoin tạo ra 6 block mới mỗi giờ, và đào mỗi block đều tiêu tốn một lượng điện như nhau dù block đó chứa 1 hay 2000 giao dịch. Và với việc giá bitcoin đang tăng chóng mặt, cũng lượng điện đó có thể giúp mạng lưới Bitcoin xử lý hàng chục ngàn hay thậm chí hàng triệu giao dịch trong mỗi block trong tương lai.

Điều này có nghĩa là chúng ta không thể tiết kiệm điện bằng cách giảm số lượng giao dịch bitcoin, và tăng số lượng giao dịch bitcoin cũng không trực tiếp làm tăng lượng điện tiêu thụ. Lượng điện này chỉ tăng khi giá bitcoin tăng lên, bởi giá cao hơn nghĩa là 12,5 bitcoin phần thưởng sẽ trở nên có giá trị hơn, và các thợ đào sẽ phải tiêu tốn nhiều tài nguyên hơn để thu được phần thưởng lớn hơn.

May mắn thay, vấn đề này sẽ có thể tự giải quyết trong tương lai. Phần thưởng thu được trên mỗi block sẽ giảm đi một nửa mỗi 4 năm theo luật Bitcoin. Trước đây phần thưởng này đã giảm 2 lần: vào năm 2009 là 50 bitcoin, và đến năm 2020 sẽ chỉ còn 6,25 bitcoin trên mỗi block, đến năm 2024 sẽ chỉ còn 3,125 bitcoin trên mỗi block. Khi phần thưởng giảm đi thì lượng điện tiêu thụ cũng sẽ giảm đi.

Rõ ràng mạng lưới Bitcoin là một thảm hoạ đối với môi trường, tiêu tốn nhiều năng lượng hơn trên mỗi giao dịch so với bất kỳ mạng lưới thanh toán nào khác. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, vấn đề này sẽ được giải quyết trong những năm tới, và trong những thập kỷ tới.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất