76 người chết và mất tích vì mưa lũ tại miền Trung
Các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã hoàn toàn hết ngập, chỉ còn Hà Tĩnh ngập với tổng số 32 xã của 6 huyện; Quảng Bình còn ngập với tổng số 14 xã của hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trước mắt hỗ trợ khẩn cấp hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình mỗi tỉnh 100 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo để giúp các tỉnh có đủ điều kiện khắc phục hậu quả; tập trung vào việc hỗ trợ dân sinh, khôi phục sản xuất, khôi phục hệ thống các cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Từ ngày 7 đến 8/10, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dẫn đầu đã đi kiểm tra các địa bàn ngập lụt của tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình để chỉ đạo công tác phòng chống lũ, lụt và thăm hỏi, động viên nhân dân.
Phó Thủ tướng trực tiếp khảo sát đồng thời chỉ đạo các tỉnh tập trung khôi phục nhanh hệ thống các cơ sở hạ tầng thiết yếu sau hậu quả mưa lũ như giao thông, điện, y tế, trường học... đặc biệt là giúp nhân dân xây dựng lại nhà ở để ổn định đời sống, sản xuất.
Bộ Quốc phòng đã tổ chức được 9 chuyến bay chở 7,6 tấn hàng (mỳ tôm và nước lọc) để tiếp tế cho nhân dân vùng giao thông đường bộ chưa đi lại được của Quảng Bình; điều 2 tàu hải quân tìm kiếm tàu bị nạn trên biển; Bộ đội Biên phòng cử hơn 3.360 cán bộ chiến sỹ và 226 phương tiện các loại thường trực sẵn sàng cơ động tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ...
Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức sửa chữa các tuyến đường sau khi lũ rút. Hiện quốc lộ 1A đã thông xe toàn tuyến, đường Hồ Chí Minh chỉ còn tắc tại hai điểm thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình; tuyến đường sắt Bắc-Nam đã thông tuyến bước 1, chỉ còn ách tắc tại một số điểm thuộc địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Ngành đường sắt đã tổ chức chuyển tiếp hành khách trên các chuyến tàu Thống Nhất bị kẹt do lũ để tiếp tục hành trình. Cho đến thời điểm này, không còn hành khách nào bị mắc kẹt tại các ga bị ảnh hưởng của lũ lụt.
Công tác khắc phục hậu quả thiên tai được các địa phương miền Trung triển khai một cách cấp bách.