9 thói quen sử dụng công nghệ cần thay đổi ngay để bảo vệ chính bạn
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà công nghệ đang "lên ngôi". Tôi không biết bạn như thế nào nhưng bản thân tôi, không thể sống mà thiếu công nghệ. Điều này vừa là đam mê vừa là công cụ cần thiết cho cuộc sống của tôi. Giống như Ben Parker từng nói "Sức mạnh càng lớn, trách nhiệm càng cao" và sức mạnh của công nghệ cũng dễ nắm bắt tới mức mà chúng ta thường quên rằng, đằng sau nó, còn có rất nhiều thứ đi kèm. Hãy bắt đầu sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm, nghiêm túc và đầu tiên là bạn cần chấm dứt 9 sai lầm rất phổ biến sau đây.
1. Luôn sử dụng cùng một mật khẩu cho mọi thứ
Chắc bạn đã biết Adobe, Target, Facebook và Snapchat là vài trong số nhiều công ty phần mềm lớn trên thế giới mà cơ sở dữ liệu về thông tin khách hàng của họ đã từng bị xâm phạm. Nếu sử dụng cùng một Username hoặc mật khẩu cho tất cả các tài khoản thì việc đổi mật khẩu cho một trang web cũng chẳng hề mang lại lợi ích gì cả. Tôi có thể tìm thấy thông tin đăng nhập của bạn từ một trong những cách hack các trang này và sử dụng nó để truy cập bất cứ một tài khoản nào mà bạn dùng chung thông tin.
Hãy tráo đổi các mật khẩu và không bao giờ sử dụng một mật khẩu 2 lần. Nghe có vẻ khó thực hiện nhưng tất cả những gì bạn cần làm là chọn một từ cơ bản (chẳng hạn như "mật khẩu") và thay đổi phần sau đó. Có thể là "pA55w0rd1!" cho tài khoản Google hay "pA55w0rd2!" cho tài khoản Facebook nên bạn có thể ghi nhớ chúng dễ dàng mà không phải lo lắng về vấn đề bảo mật.
2. Không sử dụng chứng thực 2 bước
Nói chung, mật khẩu cũng không phải là thứ an toàn cho lắm. Nếu truy cập vào bất cứ thiết bị nào của bạn (dù trực tiếp hoặc qua mạng Internet), tôi có thể cài đặt Keylogger và nắm được tất cả mật khẩu bạn đã thiết lập. Tuy nhiên, nếu bạn đã sử dụng chứng thực 2 bước thì nó sẽ khiến tôi khó thực hiện điều đó.
Tất cả các dịch vụ phổ biến như Facebook, Google, Twitter... đều hỗ trợ tính năng chứng thực 2 bước nên sẽ rất đáng tiếc nếu bạn bỏ qua chúng. Đơn giản là thiết lập tài khoản theo hướng dẫn để nhận được một tin nhắn văn bản, yêu cầu mã xác thực... khi truy cập từ một thiết bị khác hoặc từ mạng nhà bạn.
3. Sử dụng mạng công cộng mà không bật VPN
Thật không khó để tìm kiếm mạng WiFi công cộng. Rất nhiều công ty cũng như tổ chức hiện nay đều cung cấp mạng miễn phí cho khách hàng, kể cả McDonald's, Starbucks hay sân bay và phòng tập Gym... Nếu không bật VPN thì sử dụng mạng này nghĩa là bạn đang "mở cửa" cho những người khác truy cập tự do vào máy tính của bạn, cũng giống như việc bạn đặt chiếc ví bên cạnh trong khi đang ngủ trên chiếc ghế dài trong công viên.
Một mạng riêng ảo (VPN) sẽ giúp bảo mật thông tin của bạn trong khi đang sử dụng các mạng Internet công cộng này. Nếu vẫn chưa cài đặt phần mềm này trên máy thì hoặc là bạn có thể tìm kiếm và tải về công cụ tương thích với thiết bị đang sử dụng hoặc là bạn nên chấm dứt việc truy cập mạng WiFi chùa, trừ khi đó là mạng của nhà bạn.
4. Không cập nhật phần mềm
Năm 2011, Sony PlayStation Network đã bị hack và thông tin cá nhân của người dùng PlayStation (được lưu trữ trong một cơ sở dữ liệu chưa được mã hóa) đã bị lộ. Tình huống này xảy ra một tháng sau khi Sony "quên" việc nâng cấp một máy chủ Apache quan trọng.
Cập nhật phần mềm là điều cốt lõi vì các công ty tạo ra nó luôn nỗ lực sửa chữa các lỗ hổng bảo mật. Nếu quên thực hiện điều này ít nhất một tuần một lần, dữ liệu của bạn nhiều khả năng sẽ bị xâm nhập trái phép.
5. Vô hiệu hóa tường lửa và phần mềm diệt virus
Thi thoảng, tường lửa sẽ khiến bạn gặp một vài rắc rối, nhất là khi chơi game hay đang sử dụng dịch vụ streaming như Netflix, Hulu và Amazon Prime. Việc vô hiệu hóa các phần mềm bảo mật sẽ giúp bạn dễ dàng truy cập vào các ứng dụng này, tuy nhiên, nó cũng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ.
Thay vào đó, hãy thiết lập các quy tắc riêng biệt cho từng trang web. Mặc dù điều này sẽ khiến bạn mất thời gian trong một vài ngày nhưng chúng sẽ giúp máy tính của bạn được bảo vệ tốt hơn.
6. Bỏ qua các cài đặt riêng tư trên mạng xã hội
Facebook yêu cầu bạn sử dụng thông tin thật, LinkedIn và Google+ cũng như vậy. Sẽ không có gì phải bàn nếu đó chỉ là thông tin nhân khẩu hay lịch sử làm việc chứ không phải là tất cả mọi thứ về bạn.
Quyền riêng tư là thuật ngữ rất khó hình dung trong thế giới hiện đại và tốt nhất là bạn nên thận trọng. Chẳng ai muốn thông tin cá nhân của mình bị khai thác bất hợp pháp và nhất là phụ nữ - bộ phận hiện đang đứng trước tình trạng báo động về rò rỉ thông tin qua mạng xã hội.
7. Đồng ý với mọi yêu cầu truy cập ứng dụng
Khi xét đến thông tin cá nhân, bạn nên cẩn thận với các yêu cầu cấp quyền truy cập mỗi khi cài đặt ứng dụng và game mới trên điện thoại hay sử dụng các tài khoản mạng xã hội để đăng nhập một dịch vụ bất kỳ.
Candy Crush chẳng cần phải nắm được vị trí của bạn, Huffington Post chẳng cần biết bạn là ai và Flappy Bird cũng chẳng có lý do gì để yêu cầu truy cập danh bạ liên lạc của bạn cả. Học cách nói "không" là một trong những kỹ năng quan trọng nhất trong cuộc sống mà bạn nên áp dụng đối với cả thói quen sử dụng phần mềm nữa.
8. Không mã hóa Email
Khi tôi bằng tuổi của bạn, để gửi cho ai đó một tin nhắn, tôi phải ra bưu điện. Sau đó, người đưa thư sẽ phải đi chân trần qua đồi trong tiết trời đầy tuyết để có thể chuyển bức thư đó cho người mà tôi đã đề tên bên ngoài. Còn bây giờ, bạn thực hiện mong muốn này bằng email nhưng chắc chắn, hình ảnh người đưa thư vẫn còn trong đầu bạn.
Email không phải là một lá thư. Nó là một tấm bưu thiếp và thông điệp trên đó ai cũng nhìn thấy. Khi bạn mã hóa email với công nghệ mã hóa Pretty Good Privacy (PGP) nghĩa là bạn đã niêm bưu thiếp đó bằng một "phong bì" bảo mật - phương pháp hiện cũng được sử dụng bởi Chính phủ và nhiều tập đoàn trên hành tinh này. Nó hoàn toàn miễn phí và do đó, chẳng có lý do gì để bạn từ chối cả.
9. Không bảo vệ điện thoại thông minh
Smartphone phổ biến trong cuộc sống hiện đại tới mức mà chúng ta mặc nhiên thừa nhận nó. Chúng là "những chiếc máy vi tính" thu nhỏ, chứa đầy rẫy thông tin cá nhân của bạn. Khi bạn đổi điện thoại cũ để lấy cái mới, bạn cần xóa hết các dữ liệu riêng tư đó đầu tiên. Tuy nhiên, không đơn giản chỉ là xóa, bạn cần sử dụng phương pháp One Pass Zero để dữ liệu không chỉ được xóa mà còn ghi đè lên chúng bởi một chuỗi số 0 (Dữ liệu kỹ thuật số về bản chất chỉ là hai ký tự 0 và 1).
Hãy liên tưởng tới việc bạn viết một ghi chú với bút chì và giấy. Khi xóa vết bút chì, bạn vẫn có thể nhìn thấy thứ đã viết. Nhưng nếu bạn vẽ nguệch ngoạc lên nó thì sẽ khó nhìn thấy hơn nhiều.
Internet là điều rất tuyệt vời nhưng cũng chứa đầy nguy hiểm. Do đó, trước khi quyết định kết nối với nó, hãy luôn nhớ bảo mật dữ liệu cá nhân của mình. Chắc chắn là bạn không muốn thông tin về khoản tiền thuê nhà hay trả thế chấp bị từ chối bởi ai đó đã hack máy chủ của một ứng dụng mà bạn vừa mới tải xuống và sử dụng được 5 phút, sau đó, phơi bày thông tin cá nhân của bạn cho những người khác biết chứ?