90 triệu năm trước, phía Tây Nam Cực là một rừng mưa rộng lớn

Các nhà khoa học cho biết hầu hết phần Tây của Nam Cực và nhiều vùng rộng lớn ở Đông Nam Cực đã từng là rừng mưa.


Hình minh họa rừng mưa Nam Cực.

Vùng đất bây giờ quanh năm băng giá và trống trải đã từng là nơi sinh sống của vô vàn các loài thực vật vào thời gian cách đây 90 triệu năm. Khi đó khí hậu ở đây vô cùng ấm áp.

Đó là vào giữa kỷ Phấn Trắng, khi mực nước biển cao hơn bây giờ khoảng 168 mét và nhiệt độ mặt nước khoảng 350C. Giáo sư Ulrich Salzmann của Trường đại học Northumbria, Anh – đồng tác giả nghiên cứu – cho biết những vùng đất bạt ngàn ở Nam Cực khi đó là những cánh rừng đất thấp ẩm ướt vùng ôn đới. Kiểu rừng này che phủ hầu khắp các vùng bờ biển của Nam Cực và có thể là chiếm hầu hết phía Tây của Nam Cực ngày nay.


Các nhà khoa học sử dụng tàu phá băng nghiên cứu Polarstern của Đức.

“Khó có thể nói vậy thì ở những vùng đất cao hơn trên núi thì mọc những loài cây gì, vì chúng ta chưa có dữ liệu về khu vực này. Tuy vậy, mô hình khí hậu mà chúng tôi sử dụng cho thấy phần lớn diện tích Nam Cực chắc chắn đã từng có cây cối và không hề có băng vĩnh cửu bao phủ như bây giờ”, giáo sư Ulrich Salzmann nói.

Bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại của rừng mưa ở Nam Cực là một lõi trầm tích được phát hiện vào năm 2017. Lõi trầm tích này lấy từ đáy biển gần sông băng đảo Pine ở phía Tây Nam Cực. “Trong chuyến đi khảo sát sơ bộ, màu sắc bất thường của lớp trầm tích làm chúng tôi chú ý, nó khác hẳn với các lớp bên trên” – Tiến sĩ Johann Klages, nhà địa chất học của Viện Alfred Wegener, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

"Ở độ sâu 27 – 30 mét bên dưới đáy biển, chúng tôi đã tìm thấy một lớp mà nguồn gốc ban đầu là được hình thành khi còn trên mặt đất chứ không phải dưới biển”.


Bản đồ này cho thấy vị trí của các lỗ khoan và vị trí của các lục địa cách đây 90 triệu năm.


Một kỹ thuật viên đang điều khiển từ xa hệ thống khoan đáy biển có tên gọi MeBo của tàu Polarstern.

Nhóm nghiên cứu đã chụp phần lõi này và phát hiện ra một mạng lưới rễ cây chằng chịt trong lớp đất đó. Lớp đất này có niên đại 90 triệu năm và chứa vô vàn dấu vết của phấn hoa, bào tử và xác của thực vật có hoa. Các nhà nghiên cứu cho biết các dấu tích này được bảo tồn tốt một cách đáng kinh ngạc, và nhờ đó họ có thể tìm ra được cấu trúc tế bào của từng mẫu vật. Các mẫu vật này cho thấy bờ biển phía Tây Nam Cực khi đó là một vùng rừng đầm lầy ôn đới rậm rạp, rất giống với rừng ở New Zealand ngày nay.


Giáo sư Tina van de Flierdt và Tiến sĩ Johann Klages đang nghiên cứu mẫu đất cổ.

Các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng cho thấy một vùng rộng lớn cách cực Nam của Trái Đất khoảng 804 km đã từng có khí hậu dễ chịu với nhiệt độ không khí trung bình năm khoảng 120C, còn nhiệt độ trung bình vào mùa hè là 190C và nhiệt độ nước sông và đầm lầy là 200C. Lượng mưa ở đây tương đương với lượng mưa của xứ Wales, nước Anh, ngày nay.

Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Nature.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất