Ai Cập ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do virus MERS
Ngày 28/2, giới chức y tế Ai Cập xác nhận một bệnh nhân tử vong sau khi nhiễm virus gây hội chứng viêm đường hô hấp ở Trung Đông (MERS-CoV). Đây là ca tử vong đầu tiên do chủng virus này tại Ai Cập.
>>> Đã chứng minh được lạc đà nhiễm virus MERS-CoV
Bệnh nhân nói trên là một phụ nữ 56 tuổi vừa trở về Ai Cập sau chuyến hành hương tại Saudi Arabia và được chuyển tới một bệnh viện tại tỉnh miền Nam Aswan để khám và điều trị tích cực.
Một nhóm các nhà khoa học Ai Cập, Hong Kong (Trung Quốc) và Mỹ ngày 27/2 cho biết đã tìm thấy chủng virus MERS-CoV trong các mẫu phẩm lấy từ lạc đà ở Ai Cập.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành 12 đợt thu thập mẫu phẩm niêm mạc mũi và huyết thanh của 110 lạc đà trưởng thành (loại có 1 bướu) tại các lò mổ ở Ai Cập trong khoảng thời gian từ tháng 6-12/2013. Kết quả phân tích cho thấy có bốn con lạc đà dương tính với virus MERS-CoV.
Tuy nhiên, tất cả các mẫu huyết thanh của 179 người làm việc tại các lò mổ này đều âm tính với chủng virus này.
Chủng virus MERS-CoV được tìm thấy trong các mẫu phẩm lấy từ lạc đà ở Ai Cập. (Nguồn: AP)
Kết quả nghiên cứu nói trên cung cấp thêm bằng chứng cho thấy lạc đà có thể là nguồn lây nhiễm virus ở người.
Trước đó, ngày 17/12, các nhà khoa học Hà Lan và Qatar thông báo lần đầu tiên chứng minh được rằng lạc đà bị lây nhiễm virus MERS-CoV, qua phân tích các mẫu phẩm lâm sàng gồm niêm mạc mũi, máu và mẫu phẩm trực tràng lấy từ 14 con lạc đà sống cùng một chuồng ở Qatar.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kể từ khi MERS-CoV xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 9/2012, trên toàn thế giới đã có 182 trường hợp nhiễm, trong đó có 79 người tử vong.
Saudi Arabia là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 60 người tử vong trên tổng số 145 ca nhiễm.
Tháng 10 năm ngoái, một bệnh nhân nữ tại tỉnh Mansoura ở miền Bắc Ai Cập được cho là tử vong do nhiễm virus MERS-CoV. Tuy nhiên, Bộ Y tế nước này sau đó khẳng định rằng trường hợp tử vong này là do nhiễm virus cúm A/H1N1 hay còn gọi là cúm lợn.
MERS-CoV được coi là "họ hàng" của virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) từng ám ảnh châu Á năm 2003.
Giống như SARS, virus MERS cũng gây các triệu chứng cúm và được cho là có thể truyền từ động vật sang người, song nguy hiểm hơn SARS vì có thể gây suy thận và tỷ lệ tử vong ở người nhiễm bệnh lên tới 51%.
Hiện nay các chuyên gia vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm hiểu đặc tính của MERS, cũng như chưa tìm ra vắcxin phòng chống.