Ai mà ngờ được chúng ta có thể chống được động đất và hỏa hoạn nhờ... sơn tường?
Thậm chí, trận động đất tại Nhật Bản năm 2011 cũng không quật ngã được các công trình có phủ loại sơn này.
Sức sáng tạo của con người là vô tận – chẳng ai có thể phủ nhận điều này, bởi những bằng chứng cho câu nói ấy hiện diện xung quanh tất cả chúng ta, mọi lúc mọi nơi.
Diện mạo thế giới đã thay đổi đến mức chính cư dân của thời đại này cũng phải ngỡ ngàng. Nếu không được chứng kiến tận mắt, liệu có ai tin rằng nhân loại đã chế ra thành công một loại sơn phủ giúp vật liệu trở nên cứng đến mức khủng khiếp?
Điều tưởng như chỉ có trong phim viễn tưởng này hóa ra lại có thật. Và vật liệu đó là Polyurea – niềm tự hào mới của ngành khoa học vật liệu.
Polyurea sở hữu rất nhiều điểm ưu việt mà bất kì một nhà xây dựng nào cũng muốn. Và có lẽ chúng sẽ làm bạn bất ngờ đấy.
1. Tính bám dính nhanh và mạnh trên nhiều bề mặt
Tùy vào vật liệu được phủ và lượng sơn sử dụng mà tốc độ khô sẽ khác nhau, nhưng nhìn chung, Polyurea khô rất nhanh. Về cơ bản thì chỉ sau vài giờ là quá trình này hoàn tất, trong khi đa phần sơn cần đến 1 – 2 ngày để đạt mức hoàn thiện.
Và nếu như các loại sơn khác gần như không "ăn" trên các vật liệu lạnh hoặc ẩm như thép, đá, mút xốp… thì Polyurea "chấp tất".
Đồng thời, chúng gần như không bay hơi nên có thể giảm khả năng gây độc xuống rất nhiều lần.
2. Cách nhiệt và không bắt cháy
Cấu trúc của polyurea không bị biến dạng bởi nhiệt. Đây cũng là điểm cộng so với người anh em polyurethane vốn cũng rất được giới xây dựng ưa dùng. Polyurethane có thể bị chảy ở nhiệt độ cao, còn polyurea thì không.
Thế trong trường hợp cực cực nóng, như khi có hỏa hoạn thì sao? Cũng như tất thảy mọi thứ, chúng cũng bị hủy hoại trong tình huống này, nhưng thay vì cứ bắt lửa rồi cháy lan đi – polyurea lại không chịu "đầu hàng". Chúng có thể tự dập lửa, hoặc làm chậm quá trình lan rộng của đám cháy cũng như quá trình sinh khói.
3. Chống ẩm cực tốt
Ở những nơi có khí hậu ẩm ướt, mối bận tâm hàng đầu là làm thế nào để những bức tường không bị thấm nước, và trở nên mục rữa hay bám mốc.
Và một lần nữa, polyurea lại thể hiện được sự nổi trội của nó. Khi được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1989 bởi Công ty hóa chất Texaco, tất cả mọi người đều ngỡ ngàng trước thí nghiệm mà họ được quan sát, khi Polyurea được xịt lên bề mặt của một thau nước.
Ai cũng nghĩ rằng nước sẽ vô hiệu hóa loại sơn này và hòa tan nó dễ dàng, nhưng không.
Tốc độ phản ứng giữa các hợp phần quá nhanh, khiến các liên kết siêu bền vững được tạo ra trước khi nước có thể xâm nhập vào giữa. Kết quả, nó tạo thành một khối rất chắc chắn ngay trên mặt nước, trong khi các loại sơn khác sẽ phải hòa tan ra.
Nó tạo thành một khối rất chắc chắn ngay trên mặt nước.
4. Độ bền xuất sắc
Đặc điểm cuối cùng này chính là thứ khiến cho polyurea trở nên đặc biệt hơn cả. Đó là chuỗi phản ứng 2 bước giữa các amin mở rộng và các tiền polyme izoxianat tạo nên lớp màng phủ linh hoạt không mối nối cực bền, có khả năng chịu được lực với cường độ cao.
Đi cùng với đó là các tính chất không kém phần hấp dẫn là đàn hồi, chống mài mòn, kháng nhiều loại hóa chất và che được các vết nứt. Polyurea thậm chí có thể trở lại hình dạng ban đầu sau khi bị kéo dãn gấp đôi kích thước ban đầu.
Tuy nhiên khi mới ra mắt, đây lại là tính chất ít được chú ý tới của Polyurea. Các giải thưởng được trao cho vật liệu này đều đề cao các tính chất như không có độc tính, chống tia UV và không bị môi trường axit – bazơ phá hủy…
Cũng tốt thôi, nhưng vấn đề là chưa đủ. Mãi cho đến năm 2011, sau khi trận động đất định mệnh xảy ra trên đất nước Nhật thì người ta mới sửng sốt: những chiếc bể chứa nước tại một trại cá hồi được phủ Polyurea bên ngoài còn nguyên vẹn, trong khi rất nhiều công trình lớn bị hủy hoại nặng.
Đây là Polyurea khi được xịt lên tường. Rất có triển vọng đấy chứ?