Albert Einstein: Nhà giáo dục nhân bản (Kỳ cuối)
Theo di chúc của ông, không có điếu văn, nghi lễ, không hoa, không nhạc, không bia mộ. Otto Nathan, người thực hiện di chúc của ông, bước tới quan tài để đọc mấy dòng thơ của Goethe có hai câu kết: “Ông tỏa sáng trước chúng ta, như một sao chổi rồi vụt biến. Ánh sáng vô tận - quyện với ánh sáng của ông”.
Vài giờ trước khi mất, Einstein lặp lại với Margot, con gái của ông: “Tôi đã làm xong việc của tôi trên quả đất”. Bí mật cuối cùng ông mang theo là những tiếng thều thào bằng tiếng Đức trước lúc ông chấm dứt cuộc hành trình để vĩnh viễn trở về với cát bụi. Cô y tá trực không biết một chữ Đức nào. “Những lời nói sau cùng của con người khổng lồ trí thức đã bị mất đi vào thế giới”, đó là hàng chữ to trên tờ New York Times ngày hôm sau. Khi mất, Einstein để lại di chúc yêu cầu đem tro của mình rải vào không gian ở nơi không ai biết.
Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của mình, Einstein xác định yếu tố giáo dục và suy nghĩ độc lập quyết định con đường đi của mình. Ông nhớ lại: “Khi dọn về Aarau ở Thụy Sĩ năm 1896 và vào trường đại học bách khoa kỹ thuật, lần đầu tiên tôi mới ý thức rằng tôi không thích như thế nào cách nhồi nhét và học thuộc lòng, cách dạy của môn toán. Tôi tin rằng sở thích vật lý của tôi hình thành vào thời điểm này”. Ông nói mục đích của nhà trường là “phải để con người trẻ phát triển trong một tinh thần mà những nguyên tắc này (sự phát triển tự do và tự chịu trách nhiệm của cá nhân) trở thành tự nhiên như không khí người đó thở. Chỉ có dạy thôi thì không đạt được gì cả”.
Về việc học nhồi nhét, Einstein nói: “Tôi nghĩ người ta có thể làm mất đi tính háu ăn của một con thú ăn thịt sống nếu cứ bắt nó phải ăn dưới roi vọt, ngay cả khi nó không đói, đặc biệt khi người ta tự chọn cho nó những thức ăn dưới áp lực đó”.
Chính trong thời gian tại sở sáng chế ở Bern, không bị áp lực và sự lôi cuốn của bộ máy hàn lâm, Einstein mới có đủ sự yên tĩnh và bình tĩnh để phát triển, kiến tạo những ý tưởng mới của ông. Ông kể: “Bởi vì nghề nghiệp hàn lâm đặt một người nghiên cứu trẻ vào một loại tình huống bắt buộc là phải sản xuất các bài nghiên cứu khoa học với số lượng gây ấn tượng - một sự cám dỗ dẫn đến sự hời hợt mà chỉ có những cá tính mạnh mới có khả năng cưỡng lại được”.
Einstein rất ghét việc chạy theo thi cử và thành tích: “Thời còn đi học của tôi, ngay khi ngày thi được công bố, tôi bị dồn vào một áp lực đến nỗi tôi có cảm giác mình không phải bước vào một kỳ thi mà bước lên một đoạn đầu đài. Trí óc của tôi sau những kỳ thi (cử nhân) hoàn toàn bị tắc nghẽn một thời gian cho hoạt động nghiên cứu và phân tích khoa học. Khả năng trí óc của tôi hoàn toàn bị cạn kiệt bởi phải học thuộc lòng những thông tin vô bổ”.
Sau một năm ông mới bắt đầu lại công việc khoa học. Giáng sinh năm 1917, tờ Berliner Tageblatt đăng một bài báo của Einstein, tựa đề “Cơn ác mộng”. Thi cử đối với ông là ác mộng. Ông đã đề nghị xóa bỏ các kỳ thi tú tài, vì nó vô ích và có hại, vì khi thầy cô đã biết rõ học lực của một học sinh trong nhiều năm liền thì không cần thiết phải thi nữa.
Ông cũng không xây dựng một trường phái nào, không muốn áp đặt tư duy cho ai. Ông nói với tư cách là người thầy với trái tim rộng mở: “Tôi không bao giờ dạy học sinh, tôi chỉ cố gắng tạo ra những điều kiện để chúng có thể học”.
Trong chuyến đi Mỹ năm 1921, tại Boston, Einstein được đưa cho bảng câu hỏi Edison để trả lời, người ta muốn xem ông trả lời đúng đến đâu như một trắc nghiệm thông minh. Đến câu hỏi về vận tốc âm thanh, ông trả lời: “Điều đó tôi không biết. Tôi không muốn làm nặng nề trí nhớ của tôi với những sự kiện như thế, những thứ mà tôi có thể tìm thấy dễ dàng trong bất cứ từ điển bách khoa nào”.
Ông cũng không đồng ý với quan điểm của Edison cho rằng kiến thức quan trọng hơn giáo dục đại học. Ông trả lời: “Đối với con người, kiến thức không quan trọng lắm. Để có kiến thức con người không cần đến đại học.
Cái đó người ta có thể học từ sách. Giá trị của giáo dục đại học không nằm ở chỗ học thuộc lòng thật nhiều kiến thức mà ở chỗ tập luyện tư duy, cái mà người ta không bao giờ học được từ sách giáo khoa”.
Einstein cho rằng tệ nạn xấu nhất của chủ nghĩa tư bản là “làm què quặt cá nhân”. “Cả hệ thống giáo dục chúng ta đau khổ vì tệ nạn này. Một thái độ cạnh tranh quá đáng được khắc sâu vào sinh viên, anh ta được huấn luyện để tôn thờ sự thành công hám lợi như một sự chuẩn bị cho sự nghiệp tương lai”, Einstein nói. Đạo đức đối với ông là tiêu chuẩn hàng đầu: “Một tính cách tốt và vững vàng có giá trị hơn khả năng hiểu biết và sự uyên bác”. Nền tảng của tất cả mọi giá trị của con người là đạo đức.
Einstein cho rằng mục tiêu (của nhà trường) phải là sự đào tạo nên những cá nhân tự hành động và tư duy nhưng biết nhìn thấy trong việc phục vụ xã hội nhiệm vụ cao cả nhất của cuộc đời. Einstein từng phát biểu: “Tôi tin rằng sự sa sút khủng khiếp trong tư cách đạo đức của con người trước nhất có liên quan đến sự máy móc hóa và sự làm mất đi tính chất cá nhân trong cuộc sống của chúng ta - một sản phẩm phụ bất hạnh của sự phát triển tinh thần khoa học - kỹ thuật. Lỗi của chúng ta”.
Trong quan hệ giữa cộng đồng và cá nhân, Einstein đặt nặng vai trò của cá nhân: “Bởi vì tất cả những gì vĩ đại và cao cả đều được tạo ra bởi cá nhân trong sự phấn đấu tự do”. Chính cá nhân tạo ra tài sản văn hóa cho nhân loại.
Ông nói: “Có thể dễ dàng nhận thấy rằng tất cả những tài sản vật chất, tinh thần và đạo đức mà chúng ta nhận được từ xã hội xuất phát từ những nhân cách đơn lẻ qua vô số thế hệ. Chỉ cá nhân đơn lẻ mới tư duy và qua đó mới tạo ra những giá trị mới cho xã hội”. Einstein chứng kiến trong thế kỷ 20 vô số cá nhân phải chịu số phận nghiệt ngã trước sự khước từ của xã hội, của số đông, của chính quyền đại diện họ.
Chính số đông đã để mình chịu khuất phục dễ dàng trước các quyền lực chính trị, để đẩy nhau vào nỗi bất hạnh, trong khi “một số ít người không tham gia vào cách suy nghĩ thô bạo của số đông, vẫn sống theo lý tưởng tình yêu con người, không bị ảnh hưởng bởi những đam mê của họ thì phải chịu một số phận bi thảm hơn nhiều: họ bị ném ra khỏi xã hội và bị đối xử như những kẻ bị hủi nếu họ không chịu làm những hành động mà lương tâm họ chống lại, và im lặng hèn nhát về những gì họ thấy và cảm nhận”.
Einstein vốn sống cô đơn. Bất cứ ở nơi nào, Thụy Sĩ, Prague, Berlin hay Princeton, ông đều có cảm giác là người xa lạ và ngoài cuộc. Ngoài cái cô đơn do khoa học, Einstein còn nỗi cô đơn riêng của một người không lúc nào thuộc hẳn vào thế giới này. Ông vẫn là người “lữ hành cô đơn” không bến đỗ trên đường đi tìm chân lý của mình, con đường ông đi sẽ đưa ông về một chân trời vô định và chỉ còn một mình ông trên đó.
|