Amiăng - "sát thủ thầm lặng" ở vùng động đất Thổ Nhĩ Kỳ
Một cuộc điều tra do báo DW của Đức tiến hành đã phát hiện ra rằng đống đổ nát từ trận động đất kinh hoàng hồi tháng 2 năm nay ở Thổ Nhĩ Kỳ có chứa một lượng lớn amiăng đe dọa tính mạng của người dân nơi đây.
Hiểm họa từ đám mây bụi khổng lồ
Tại Hatay, phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, các đội vẫn hiện đang thực hiện việc phá dỡ những tòa nhà bị hư hại nặng nề trong trận động đất xảy ra vào ngày 6/2/2023 và khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Những người công nhân phá dỡ di chuyển những đống gạch vụn còn sót lại, tạo ra những đám mây bụi bao phủ thành phố.
Các đội phá dỡ đang dọn dẹp một đống đổ nát sau trận động đất ở tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: DW).
Một số trẻ em đi bộ qua đống đổ nát để tìm chỗ chơi bóng đá. Khi thở, chúng có khả năng hít phải một kẻ giết người thầm lặng: amiăng.
Theo một cuộc điều tra độc quyền do bộ phận Môi trường & Thổ Nhĩ Kỳ của DW thực hiện, vật liệu xây dựng độc hại đã làm ô nhiễm cây trồng, đất và đống đổ nát ở khu vực nông nghiệp trọng điểm, cho thấy một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng đang diễn ra.
Một nhóm chuyên gia từ Phòng Kỹ sư Môi trường Thổ Nhĩ Kỳ (UCTEA) đã thu thập các mẫu bụi ở Hatay, sau đó được phân tích bởi Phòng thí nghiệm và Kỹ thuật AGT Vonka, một phòng thí nghiệm được quốc tế công nhận. Cuộc điều tra cho thấy sự hiện diện của amiăng trong khu vực.
Các chuyên gia y tế công cộng nói rằng những người sống trong khu vực bị động đất, bao gồm hàng nghìn trẻ em, có nguy cơ nghiêm trọng mắc bệnh ung thư phổi và thanh quản liên quan đến amiăng. Ung thư trung biểu mô, một loại ung thư đặc biệt nguy hiểm, cũng là một hệ lụy khác từ các chất độc phát tán sau trận động đất.
Một số chuyên gia cho rằng một "thảm họa thứ cấp" về ô nhiễm độc hại có thể còn nghiêm trọng hơn cả trận động đất. Mehmet Şeyhmus Ensari, kỹ sư xây dựng và Chủ tịch Hiệp hội các chuyên gia tháo dỡ amiăng của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết với Reuters: “Với một ước tính lạc quan nhất, tôi có thể nói rằng 3 triệu người sẽ bị bệnh”.
Bác sĩ Özkan Kaan Karadag, chuyên gia về sức khỏe cộng đồng và bệnh nghề nghiệp ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: “Trong những năm tới, chúng ta có thể phải đối mặt với cái chết của hàng chục nghìn người còn rất trẻ do ung thư trung biểu mô”.
Từ vật liệu kỳ diệu đến chất độc đáng sợ
Từng được ca ngợi là vật liệu kỳ diệu với nhiều công dụng đa dạng, amiăng hiện được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào loại “chất gây ung thư”. Nhưng vật liệu xây dựng amiăng vẫn được tìm thấy trong nhiều tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ được xây dựng trước lệnh cấm bán nó vào năm 2010, dù con số chính xác vẫn chưa rõ ràng.
Một tấm lợp có chứa vật liệu amiăng. (Ảnh: Wiki).
Nỗ lực giảm thiểu tác hại
Dù vậy, các tổ chức xã hội tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang nỗ lực ngăn chặn mối lo về amiăng. Vào tháng 4, Hiệp hội Luật sư Hatay và các tổ chức môi trường và y tế đã đệ đơn kiện yêu cầu tạm dừng hoạt động phá dỡ trên địa bàn thành phố nhưng vụ việc vẫn đang chờ giải quyết sau 5 tháng.
Ecevit Alkan đến từ Hiệp hội luật sư Hatay là một trong những luật sư đang nỗ lực đấu tranh chống lại những hành vi xấu trong việc loại bỏ chất thải. Ông rút cuộc cũng đã ngã bệnh vì bụi.
Alkan chỉ một địa điểm gần một trường trung học với dãy nhà tạm bằng container dành cho nạn nhân động đất và một kênh tưới tiêu cho nông nghiệp mà ông cho rằng có thể nhiễm bụi amiăng. “Sẽ rất rủi ro khi sử dụng nơi này làm bãi rác thải cho cả con người và môi trường”, Alkan nói.
Một người phụ nữ cố né bụi khi đi qua chiếc máy ủi đang dọn dẹp đống đổ nát ở thành phố cổ Antakya, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: The Guardian).
Utku Firat, một kỹ sư môi trường tham gia vào nghiên cứu, cho biết mối nguy hiểm có thể được giảm thiểu bằng cách loại bỏ vật liệu amiăng trước khi các tòa nhà bị phá hủy. Firat nói về các công ty phá dỡ: “Họ không những không làm được mà thậm chí còn không che những chiếc xe tải chở đống đổ nát bằng bạt”.
Mặc dù thiệt hại đã xảy ra cho đến nay không thể khắc phục được nhưng một số biện pháp an toàn ít nhất sẽ giảm bớt một số nguy hiểm cho những người dân đang phải tiếp xúc với bụi bặm từ đống đổ nát.
“Khẩu trang nên được phân phát cho người dân và công nhân trong khu vực và họ nên được khuyến khích sử dụng chúng. Các cộng đồng dân cư ở khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bụi cần được xác định và di dời đến nơi khác”, Utku Firat đưa ra lời khuyên.
- Amiăng cực kỳ độc hại đối với sức khỏe
- Một chất gây ung thư từng bị cấm ở Nhật Bản và Hoa Kỳ, nhiều người không biết vẫn vô tư tiếp xúc hàng ngày
- Thành phố được xây trong lòng núi lửa có thể phun trào bất kỳ lúc nào, nhưng người dân vẫn vô cùng thảnh thơi