Ăn cá sống dễ bị ung thư gan

Các nhà khoa học Thái Lan kêu gọi người dân các nước Đông Nam Á từ bỏ thói quen ăn cá nước ngọt sống để tránh nguy cơ ung thư gan do sán lá gan gây ra.

Theo nhóm nghiên cứu, thủ phạm gây ra ung thư gan ở những người thích ăn các món cá sống (như gỏi cá, cá nấu chưa chín…) chính là sán lá gan – loại ký sinh trùng phổ biến ở các con sông thuộc các vùng nông thôn của các nước Thái Lan, Lào, Cambodia, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam.

Nhiều loại cá nước ngọt là ký chủ trung gian của sán lá gan, và những người ăn cá sống sẽ bị nhiễm ký sinh trùng này. Cá nước ngọt nuôi trong ao hồ lẫn cá sống trong sông, rạch đều có thể bị nhiễm sán lá gan như nhau.

Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Banchob Sripa, thuộc khoa Bệnh lý học của Trường Đại học Khon Kaen (Thái Lan), phát biểu: “Dù tỉ lệ ung thư gan ở những người nhiễm sán lá gan là dưới 1%, nhưng hiện có hàng triệu người nhiễm loại ký sinh trùng nguy hiểm này ở Thái Lan, Cambodia và Việt Nam. Ở Thái Lan, hiện có 6 triệu người bị nhiễm”.

Trong tài liệu được công bố trên ấn bản mới nhất của tạp chí Public Library of Science (PloS) ở Mỹ, nhóm nghiên cứu cho biết đa số những người nhiễm sán lá gan thường không có triệu chứng gì, nhưng sau nhiều năm, một số trong đó bị ung thư gan.

Trong suốt 20 năm qua, tiến sĩ Banchob và các cộng sự đã nghiên cứu mối liên hệ giữa việc nhiễm sán lá gan với ung thư gan, đặc biệt là ung thư ống mật. Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia đã phát hiện tình trạng nhiễm sán lá gan đặc biệt nghiêm trọng ở các tỉnh thuộc miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan – nơi mà những món cá sống như “Koi-Pla” rất được ưa chuộng.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Banchob nói: “Không ăn cá sống là cách dễ nhất để tránh nhiễm sán lá gan”.

Ông cho biết sán lá gan xâm nhập vào ống mật và sự tấn công của nó sẽ gây ra một “cơn bão” cytokine – chất hoạt hóa tế bào. Đây là một phản ứng miễn dịch rất mạnh, mạnh đến nỗi nó không chỉ tiêu diệt sán lá gan mà giết luôn cả những mô xung quanh nữa.

Ống nói: “Có 2 cơ chế tấn công của sán lá gan. Thứ nhất là nó có thể cắn biểu mô ngoài của ống mật và gây ra những vết loét; thứ hai là nó gây viêm túi mật. Những người có càng nhiều cytokine gây viêm thì càng bị viêm nhiều, và họ có nguy cơ bị ung thư về sau”.

Theo nhóm nghiên cứu, “ung thư gan thường được chẩn đoán muộn vì những triệu chứng của bệnh xuất hiện rất trễ. Do đó, khi được chẩn đoán là bị ung thư gan thì hấu hết bệnh nhân đang ở giai đoạn ung thư tiến triển, như giai đoạn 4, vì thế họ chỉ có thể được điều trị dưới hình thức ’còn nước còn tát” mà thôi. Rất khó có thể phát hiện những thương tổn ban đầu ở gan do ung thư gây ra, vì không có triệu chứng gì ở giai đoạn đầu của bệnh”.

Ông Banchob cho biết: “Đa số bệnh nhân ung thư gan tử vong trong vòng 6 tháng đến 1 năm kể từ khi bệnh được phát hiện. Không có bệnh nhân ung thư gan nào còn sống sau 5 năm cả”.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất