Ăn mì tôm buổi sáng có gây hại?

Nhiều người thích ăn mì tôm, mì ăn liền nhưng cũng có người cho rằng thực phẩm này nhiều chất béo, tinh bột, muối, không tốt cho sức khỏe, đúng hay sai?


 Bạn hoàn toàn có thể tiêu thụ sản phẩm này với nhiều cách chế biến.

Mì tôm là thực phẩm cung cấp năng lượng cho cơ thể, chỉ khi lạm dụng hoặc ăn không đúng cách mới gây hại sức khỏe. Thực tế, không chuyên gia nào khuyến cáo người dân hạn chế ăn mì tôm vào buổi sáng. Bạn hoàn toàn có thể tiêu thụ sản phẩm này với nhiều cách chế biến. Ví dụ, mì tôm nấu cùng thịt băm, trứng, cá, tôm, mực để bổ sung protein; chần thêm rau cải, rau ngót, giá đỗ, cà chua để tăng vitamin và khoáng chất.

Bữa sáng như vậy được coi là "hoàn hảo" với lượng bột đường từ mì tôm, vitamin và khoáng chất từ rau củ và protein từ thịt cá trứng. Không cần bổ sung chất béo vì trong sản phẩm này đã có một lượng nhất định.

Trong trường hợp chỉ chần mì tôm với nước sôi, bạn nên bổ sung thêm các thực phẩm khác vào các bữa ăn trong ngày, đảm bảo nguyên tắc cân đối dinh dưỡng.

Dù vậy, không nên ngày nào cũng ăn mì tôm, khuyến nghị là 2-3 bữa/tuần, xen kẽ cơm, xôi, phở, bún, bánh mì..

Nhìn chung, mì tôm nói riêng và các loại thực phẩm nói chung, không phải là nguyên nhân gây hại sức khỏe hay khó tiêu nếu như bạn tiêu thụ đúng cách, ăn chậm, nhai kỹ, kết hợp đủ 6 nhóm chất trong bữa ăn.

Tiến sĩ, bác sĩ Từ Ngữ
Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất