Ăn thế nào để tốt cho sức khỏe
Chọn thực phẩm tươi sống chưa qua chế biến, rau củ quả tự nhiên nhiều màu sắc, thêm các chất chống ôxy hóa và những thực phẩm giàu probiotic...
1. Thức ăn tươi sống không qua chế biến là tốt nhất
Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của chế độ ăn lành mạnh. Thức ăn tươi sống, tự nhiên, sạch, không qua chế biến chứa nhiều dinh dưỡng, chất chống oxy hóa và giàu chất xơ, không tẩm màu nhân tạo, hương liệu, chất bảo quản, đường, muối hoặc dầu hydro hóa gây tổn hại sức khỏe.
2. Ăn đầy đủ các dưỡng chất
Đừng chỉ nghĩ việc ăn rau và trái cây là không quan trọng trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ăn nhiều loại rau, quả khác nhau với đủ màu sắc là chìa khóa để hấp thụ tối đa lợi ích sức khỏe. Thưởng thức những loại thực phẩm từ mỗi nhóm màu khác nhau, cơ thể bạn sẽ nhận được sự cân bằng giữa các chất oxy hóa, vitamin và khoáng chất, giúp phòng tránh những căn bệnh mãn tính. Chẳng hạn màu đỏ thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa, cam chứa nhiều beta carotene, lá xanh chứa nhiều folate và vitamin K.
Ảnh: Bodyandsoul
3. Thêm thực phẩm giàu chất chống oxy hóa vào chế độ ăn
Những loại thực phẩm siêu lành mạnh giúp trung hòa gốc tự do trước khi chúng gây hại cho tế bào trong cơ thể. Những lựa chọn lý tưởng là quả cà chua, trà xanh, củ nghệ, củ cải đường, lựu, cacao nguyên chất và cải xoăn. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa sẽ giúp giảm nguy cơ các bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường và bệnh tim mạch.
4. Thực phẩm chứa probiotic
Thực phẩm giàu probiotic chứa vi khuẩn có lợi giúp tăng cường đường ruột, đóng vai trò lớn trong hệ thống miễn dịch và tiêu hóa. Lựa chọn các loại thực phẩm lên men như sữa chua, sữa hoặc dừa hoặc các loại rau lên men và lên mầm.
5. Chất béo quan trọng đối với sức khỏe
Việc lựa chọn đúng các loại chất béo lành mạnh để bổ sung vào khẩu phần ăn rất quan trọng. Chế độ ăn của bạn nên chứa một lượng vừa phải chất béo bão hòa như dầu ô liu, các loại hạt, cá và bơ. Chất béo bão hòa từ các nguồn tự nhiên như bơ hữu cơ, bơ sữa trâu, dầu dừa, đóng vai trò thiết yếu, cần thiết cho quá trình sản sinh hormone, làm chắc xương, tăng cường chức năng não và hệ thống thần kinh.
Nên tránh xa những thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa trong một số loại bơ thực vật, thực phẩm qua chế biến như bánh rán, bánh quy, bánh ngọt, khoai tây chiên. Loại chất béo này là một trong những nguyên nhân gây bệnh tim và ung thư.
6. Duy trì hấp thụ lượng đường ở mức tối thiểu
Vài thực phẩm bạn đang sử dụng hàng ngày chứa lượng đường khá cao. Đường tinh chế thường xuất hiện trong các loại thực phẩm và đồ uống qua chế biến bao gồm nước ngọt, nước trái cây, ngũ cốc, bánh quy và nước sốt, thậm chí là những sản phẩm sức khỏe như sữa chua. Tiêu thụ quá nhiều đường làm tăng nguy cơ bị tiêu đường type 2, béo phì, sâu răng và làm suy yếu hệ thống miễn dịch khiến bạn dễ bị nhiễm trùng. Cách tốt nhất để hấp thụ lượng đường tối thiểu là ăn những loại thực phẩm tự nhiên, không qua chế biến, chẳng hạn như trái cây.