Ăn uống thế nào trước và sau mổ?
Nhịn thức ăn đặc 6 giờ trước mổ, không uống nước trước 2 giờ và sau mổ 24 giờ có thể ăn lại nếu không chống chỉ định.
Phẫu thuật là một tình huống stress đối với cơ thể. Để đáp ứng tình trạng stress này, cơ thể tiết ra nhiều hormone làm tăng nhu cầu chuyển hóa nên cơ thể cần nhiều năng lượng hơn. Sau mổ với sự lành vết thương, cơ thể có quá trình đáp ứng viêm, kích hoạt các tuyến nội tiết tiết ra các chất tương tự như với stress, nên nhu cầu năng lượng càng tăng hơn nữa.
Nếu dinh dưỡng không tốt sẽ chậm lành vết thương, khó cai máy thở, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng vết mổ... từ đó tăng tỷ lệ tử vong. Dinh dưỡng tốt sẽ giảm được thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị, giảm tỷ lệ các biến chứng.
Có nên bổ sung dinh dưỡng bằng đường tĩnh mạch?
Nhiều nghiên cứu chứng minh dinh dưỡng bằng đường miệng tốt hơn nhiều so với truyền dung dịch bằng đường tĩnh mạch. Truyền đường tĩnh mạch còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết, viêm tắc các mạch ngoại vi.
Hệ thống đường ruột là một hàng rào miễn dịch tự nhiên của cơ thể ngăn chặn sự xâm nhập của các vi khuẩn vào máu, gan cũng có khả năng này. Chỉ dùng đường tĩnh mạch khi có chống chỉ định dinh dưỡng qua đường miệng như tắc ruột, viêm phúc mạc cấp, thủng tạng rỗng, viêm tụy cấp...
Bệnh nhân có nguy cơ suy dinh dưỡng nên được bổ sung dinh dưỡng, nâng cao tổng trạng ít nhất 7 ngày trước các phẫu thuật chương trình. Khi vào bệnh viện, các bác sĩ đánh giá dinh dưỡng bệnh nhân qua hỏi bệnh sử, thăm khám và các xét nghiệm hỗ trợ.
Dinh dưỡng tốt sẽ giảm được thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị, giảm tỷ lệ các biến chứng.
Trước ngày phẫu thuật người bệnh nên ăn uống thế nào?
Trước các ca phẫu thuật chương trình, người bệnh phải nhịn ăn để tránh nguy cơ hít sặc dịch dạ dày vào đường thở khi gây mê đặt nội khí quản, vì hít sặc gây viêm phổi hít, tăng nguy cơ tử vong.
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ cần nhịn ăn 6 tiếng trước mổ đối với thức ăn đặc, 2 tiếng đối với nước lỏng. Khi nhịn đói lâu hơn, cơ thể sẽ dùng nguồn glucose dự trữ có trong gan và cơ, làm giảm sức cơ, rối loạn đường huyết, chậm lành vết thương do còn quá trình tăng dị hóa đạm sau mổ. Ở những bệnh nhân nhịn đói lâu hơn, lượng dịch dạ dày không ít hơn và nguy cơ hít sặc cũng không thấp hơn so với những bệnh nhân nhịn uống 2 giờ trước phẫu thuật.
Sau mổ nên ăn uống lại khi nào và như thế nào?
Sau mổ nên cho ăn lại qua đường miệng trong vòng 24 giờ nếu không có chống chỉ định. Dinh dưỡng sớm sau mổ làm giảm rõ rệt tỷ lệ tử vong. Dinh dưỡng sớm duy trì hàng rào chất nhầy của lớp niêm mạc ở ruột, từ đó ngăn vi khuẩn xâm nhập vào máu qua đường tiêu hóa. Nếu không có chống chỉ định, các bệnh nhân nằm hồi sức phải thở máy, dùng vận mạch cũng nên ăn lại bằng đường miệng sớm trong vòng 24 giờ qua sonde dạ dày.
Theo các nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên gần đây, việc ăn bằng đường miệng sớm với bệnh nhân nặng nằm hồi sức sau mổ không thấy rõ lợi ích so với nhóm bệnh nhân được nuôi dưỡng sớm bằng đường tĩnh mạch. Các bệnh nhân trước mổ được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch dài ngày, nên khởi động dinh dưỡng lại sau mổ cũng bằng đường tĩnh mạch do chức năng đường tiêu hóa giảm mạnh sau 7 ngày không ăn uống.
Dinh dưỡng tốt và đúng cần có sự phối hợp giữa nhân viên y tế và bệnh nhân. Việc đánh giá dinh dưỡng đúng, can thiệp kịp thời của nhân viên y tế cùng sự tuân thủ của bệnh nhân sẽ giúp cải thiện và đem lại lợi ích cho chính người bệnh.
Bác sĩ Lưu Kính Khương - Bác sĩ Võ Hoàng Sơn
Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM)