Ảnh ảo giác về các luồng xoáy trên sao Mộc

NASA công bố bức ảnh tổng hợp cho thấy hoạt động của các cơn bão, xoáy thuận và xoáy nghịch ở cực bắc của sao Mộc.

Thoạt nhìn, hình ảnh này giống như một tác phẩm trừu tượng nhưng trên thực tế, nó rất thật! Đây là bức ảnh được tạo ra bằng cách ghép nhiều ảnh chụp riêng lẻ do tàu vũ trụ Juno của NASA ghi lại trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 năm nay.


Ảnh ghép được xử lý màu cho thấy các luồng xoáy trên bầu khí quyển sao Mộc. (Ảnh: NASA).

"Chúng ta có thể thấy một vòng xoáy khổng lồ và dai dẳng ở trung tâm của hình ảnh. Bao quanh nó là các luồng xoáy nhỏ hơn có đường kính từ 4.000 đến 6.000km. Cùng với nhau, những hình thái bão này bao phủ một khu vực rộng lớn hơn cả diện tích bề mặt Trái đất", NASA mô tả.

Việc sử dụng màu giả (false color) trong bức hình này đã cho thấy vẻ đẹp của sao Mộc và những chi tiết hiện diện trong cấu trúc của các dải mây bất ổn trên bầu khí quyển hành tinh.

Sao Mộc là hành tinh có bầu khí quyển lớn nhất trong Hệ Mặt trời. Các cơn bão, xoáy thuận và xoáy nghịch hoạt động rất mạnh trên hành tinh khí khổng lồ này do sự đối lưu hơi ẩm kết hợp với quá trình bốc hơi và ngưng tụ của nước.


Tàu vũ trụ Juno quay quanh sao Mộc của NASA. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech).

"Mỗi quan sát mới của Juno về bầu khí quyển sao Mộc đều bổ sung dữ liệu giá trị cho các mô phỏng máy tính và giúp mở rộng hiểu biết của chúng ta về cách các luồng xoáy trên sao Mộc phát triển theo thời gian", NASA cho biết thêm.

Tàu vũ trụ Juno được phóng lên vào ngày 5/8/2011 và bắt đầu đi vào quỹ đạo sao Mộc từ ngày 4/7/2016. Nhiệm vụ của con tàu là nghiên cứu thành phần hóa học, lực hấp dẫn, từ trường và từ quyển của hành tinh, giúp các nhà thiên văn học hiểu rõ hơn về nguồn gốc hình thành cũng như quá trình tiến hóa của nó.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất