Ảnh chụp "bức tường" vũ trụ dài 50 nghìn tỷ km

Kính viễn vọng Gemini South chụp bức ảnh nét nhất từ trước đến nay về một đoạn của tinh vân Carina, hé lộ nhiều chi tiết mới.

Các nhà thiên văn hé lộ ảnh hồng ngoại của một đoạn Bức tường phía tây dài 50 nghìn tỷ km thuộc tinh vân Carina do kính viễn vọng Gemini South tại Chile chụp, IFL Science hôm 6/10 đưa tin. Bức ảnh gây chú ý vì có độ nét chưa từng thấy đối với kính viễn vọng dưới mặt đất. Độ phân giải của bức ảnh được cho là tương đương với ảnh chụp của James Webb, kính viễn vọng không gian sắp phóng vào vũ trụ. Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Astrophysical Journal Letters.


Ảnh chụp cũ (trên) và ảnh chụp với kỹ thuật quang học thích ứng (dưới). (Ảnh: NOIRLab).

Ảnh chụp tinh vân Carina đạt chất lượng đặc biệt tốt nhờ kỹ thuật quang học thích ứng. Kỹ thuật này giúp giảm hiệu ứng nhiễu loạn của khí quyển, tăng độ phân giải của hình ảnh lên khoảng 10 lần. Hình ảnh thu được giúp giới khoa học quan sát những đám mây của tinh vân kỹ lưỡng nhất từ trước đến nay.

"Kết quả thật đáng kinh ngạc. Chúng tôi thấy nhiều chi tiết mà trước đây chưa từng quan sát được dọc theo rìa đám mây, bao gồm một chuỗi dài những gờ song song có thể do từ trường tạo thành, một dải sóng rất nhẵn, những mảng mây trên đỉnh có vẻ đang bị tách ra do tác động của gió mạnh", Patrick Hartigan, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết. Ngoài ra nhóm nghiên cứu cũng phát hiện luồng vật chất do một ngôi sao phun lên.

Phương pháp mới không chỉ cho thấy khả năng của kính viễn vọng dưới mặt đất mà còn cung cấp thông tin quý giá về sự hình thành của các ngôi sao. Tinh vân Carina nằm cách Trái đất hơn 7.500 năm ánh sáng và là một trong những "vườn ươm sao" nổi tiếng nhất. Ảnh chụp của kính viễn vọng Gemini South cũng giúp hé lộ ảnh hưởng của những ngôi sao trẻ khối lượng lớn đến không gian xung quanh.

"Có thể Mặt trời đã hình thành trong một môi trường như thế. Nếu vậy, bức xạ và gió từ những ngôi sao khối lượng lớn gần đó có thể tác động đến khối lượng và khí quyển của các hành tinh phía ngoài của Hệ Mặt trời", Hartigan nhận định.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất