Ảnh hưởng của động đất Tứ Xuyên lên hoạt động não ở những người sống sót
Nghiên cứu gần đây cho thấy trận động đất xảy ra tại Tứ Xuyên, Trung Quốc vào ngày 12 tháng 5 năm 2008 đã để lại những tác động sâu sắc lên chức năng não của những người sống sót tưởng như hoàn toàn khỏe mạnh. Nó cũng để lại nguy cơ sức khỏe tinh thần cho những người này. Đây là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Viện Tâm thần học và đồng nghiệp đến từ các trường đại học ở Trung Quốc, Mỹ và Liverpool.
Các nhà nghiên cứu muốn hiểu rõ hơn về sự thích ứng của các hệ thống chức năng não sau sức ép từ cảm xúc mãnh liệt. Những nghiên cứu được tiến hành trên động vật trước đó đã cho thấy tầm quan trọng của các cấu trúc rìa và vân não trong các phản ứng trước nỗi sợ hãi và căng thẳng. Nghiên cứu trên người, ban đầu tập trung chủ yếu vào các bệnh nhân có rối loạn căng thẳng sau chấn thương với biểu hiện lâm sàng, đã cho thấy những bất thường trong các cấu trúc não tương tự. Tuy nhiên, hiện tại người ta vẫn chưa biết nhiều về sự thay đổi tiềm năng của hoạt động não ở những người còn sống sót ngay sau một sự kiện gây tổn thương như động đất.
Tâm chấn của động đất ngày 12 tháng 5 năm 2008 nằm ở huyện Vấn Xuyên, cách thủ phủ Tứ Xuyên khoảng 90 km về hướng tây – tây bắc. Cơn địa chấn có cường độ gần 8 độ Richter. Có tới 45 triệu người nằm trong diện ảnh hưởng trực tiếp; trong đó, 69.146 người được xác nhận là đã chết, 374.131 người bị thương nặng và 17.516 người mất tích.
Một phần đáng kể (20%) trong số những người sống sót có khả năng sẽ mắc các rối loạn liên quan tới căng thẳng, ví dụ như Rối loạn phản ứng stress cấp (ASD) và Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). Tiến sĩ Andrea Mechelli đến từ Viện Tâm thần học thuộc đại học Luân Đôn, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Với những tác động nghiêm trọng, lâu dài của những rối loạn tâm lý này, chúng ta cần hiểu rõ hơn về những thay đổi trong chức năng não ở giai đoạn đầu thích ứng với chấn thương. Những kiến thức này có thể giúp hiểu hơn về các phản ứng sau sang chấn và từ đó phát triển các biện pháp can thiệp hiệu quả từ sớm.”
Với phương pháp cộng hưởng từ chức năng (fMRI), các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 44 người sống sót khỏe mạnh sau tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Họ thấy rằng có những thay đổi đáng kể trong hoạt động não tương tự như những thay đổi thường thấy trong rối loạn stress sau sang chấn xuất hiện ngay sau khi nạn nhân trải qua chấn thương. Điều này cho thấy cần đánh giá sớm và có các biện pháp can thiệp đối với những người sống sót.
Các nghiên cứu trước đây thường được tiến hành sau hàng năm, thậm chí hàng thập kỉ sau khi nạn nhân chịu tổn thương. Chưa có khảo sát lâm sàng nào kiểm tra những thay đổi trong hoạt động não ở người sống sót sao một tai họa thảm khốc như động đất.
Các kết quả nghiên cứu lần này cho thấy những người từng trải qua các chấn thương tâm lý nghiêm trọng sẽ có một số vùng trong não hoạt động thái quá và giảm liên kết hoạt động với các vùng khác ngay sau trận động đất ở Tứ Xuyên. Đặc biệt, các kết quả chỉ ra rằng sang chấn không chỉ ảnh hưởng tới chức năng của từng vùng não mà cả mối tương tác qua lại giữa các phần trong hệ thống não. Người ta chưa rõ liệu kiểu thay đổi này sẽ tiếp tục giữ nguyên hay phát triển hơn nữa trong những tuần, những tháng tiếp theo sau sang chấn.
Tiến sĩ Mechelli nói tiếp: “Hiểu rõ hơn về tác động của các sự kiện gây chấn thương đối với hoạt động của não có thể giúp xác định những nạn nhân nào cần điều trị sớm, từ đó giảm thiểu tác động tâm lý lâu dài ở người sống sót sau các thảm họa tự nhiên, xung đột quân sự và những sự kiện gây tổn thương tâm lý tương tự.”
Các nghiên cứu trên những nạn nhân sống sót có thể giúp con người hiểu rõ hơn về quá trình diễn ra những thay đổi trong hoạt động não qua thời gian, cũng như mối quan hệ giữa những thay đổi này với sự xuất hiện của các rối loạn liên quan stress trong tương lai.