Ánh sáng xanh lục - “thuốc giảm đau” tiềm năng cho con người

Theo một phát hiện mới công bố trên Tạp chí Science Translational Medicine, ánh sáng xanh lục có tiềm năng trở thành một phương pháp giúp giảm đau đơn giản, an toàn, mà lại ít tốn kém cho con người.

Nghiên cứu trước đây từng cho thấy ánh sáng xanh lục - đặc biệt là ánh sáng xanh do đèn LED tạo ra - có thể làm giảm mức độ đau ở những người mắc các bệnh như viêm khớp, đau nửa đầu và đau cơ xơ hóa, nhưng nguyên nhân đằng sau tác động này chưa được làm rõ. Gần đây, nhóm nghiên cứu do nhà thần kinh học Yu-Long Tang tại Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) dẫn đầu đã cố gắng tìm hiểu cơ chế bí ẩn của nó, thông qua việc nghiên cứu hệ thống xử lý hình ảnh, bao gồm tiếp nhận và xử lý ánh sáng, ở loài chuột.


Tế bào cảm quang hình nón và hình que đã góp phần vào tác dụng giảm đau của ánh sáng xanh lục.

Các chuyên gia bắt đầu việc nghiên cứu với các tế bào cảm quang hình que và hình nón ở bên ngoài của võng mạc và các tế bào cảm quang hạch võng mạc (ipRGC, nơi nhận tín hiệu) ở bên trong của võng mạc. Bằng cách vô hiệu hóa từng loại tế bào vào những thời điểm khác nhau và sau đó kiểm tra cách thức mà chúng tác động đến cảm nhận cơn đau của chuột, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cơ chế giảm đau bắt đầu từ các tế bào cảm quang. Nói cách khác, các tế bào mắt và đường dẫn thần kinh tới não (chịu trách nhiệm giảm đau) có thể được kích hoạt sau khi tiếp xúc với ánh sáng xanh lục cường độ thấp.

Cụ thể, thông qua một loạt thử nghiệm, các chuyên gia nhận thấy các tế bào cảm quang hình nón và hình que đã góp phần vào tác dụng giảm đau của ánh sáng xanh lục cả ở nhóm chuột khỏe mạnh và nhóm chuột bị viêm khớp. “Chúng tôi thấy rằng các tế bào cảm quang hình nón ở võng mạc rất cần thiết cho việc giảm đau bằng ánh sáng xanh lá, trong khi các tế bào hình que đóng vai trò thứ yếu” - các tác giả giải thích. Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu các đường truyền tín hiệu điện từ mắt đến não. Họ phát hiện khi đắm chìm trong ánh sáng xanh lục, các tế bào hình nón và hình que kích thích một nhóm tế bào trong não giúp điều chỉnh và làm giảm khả năng kết nối thần kinh với cảm giác đau dữ dội, nhờ đó giảm đau một cách hiệu quả.

Trước đây, một số nghiên cứu trên động vật cũng từng xác định các cơ chế khác liên quan đến tác dụng giảm đau của ánh sáng xanh lục. Nhưng nghiên cứu này đánh dấu một bước tiến mới khi xác định thành công đường dẫn cảm giác đau trong não của một loài động vật có vú, qua đó mở rộng hiểu biết của giới nghiên cứu về một giải pháp tiềm năng vừa an toàn, vừa dễ dàng để có thể dập tắt cơn đau. Mặc dù chưa rõ nhận thức về màu sắc giữa con người và loài gặm nhấm có giống nhau hay không, nhưng các chuyên gia cho rằng cơ chế tiếp nhận và xử lý ánh sáng giữa hai loài có thể giống nhau.

Về thời hiệu của liệu pháp ánh sáng xanh lục, một nghiên cứu trên chuột cho thấy tác dụng giảm đau sau khi điều trị bằng loại ánh sáng xanh lục đã được duy trì trong 4 ngày. Các thử nghiệm lâm sàng gần đây cũng chỉ ra rằng một vài giờ trị liệu bằng ánh sáng xanh này mỗi ngày giúp làm giảm cường độ đau ở một nhóm bệnh nhân đau cơ xơ hóa và giảm số ngày đau đầu ở những người mắc chứng đau nửa đầu. Ánh sáng xanh lá được cho cũng có thể giúp ích cho bệnh nhân sau phẫu thuật, nhờ bớt lệ thuộc vào thuốc giảm đau.

Mặc dù liệu pháp ánh sáng xanh lục có thể không hiệu quả với tất cả mọi người, nhưng nếu được chứng thực hiệu quả trên nhiều bệnh nhân hơn, nó có tiềm năng trở thành một lựa chọn an toàn để thay thế các loại thuốc giảm đau.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất