Áo phông hoa văn đặc biệt "vô hình" trước công nghệ nhận dạng khuôn mặt
Phát hiện mới của các chuyên gia khiến nhiều người sửng sốt khi họ nghiên cứu ra chiếc áo "vô hình" với công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt đang có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống. Sử dụng trí tuệ nhân tạo, nhiều nơi áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để kiểm tra an ninh, các thiết bị cá nhân sử dụng công nghệ này để tăng tính bảo mật...
Hãy tưởng tượng rằng bạn đang sở hữu một thứ gì đó có thể giúp vượt qua công nghệ nhận dạng tiên tiến hiện đại này. Điều này nghe có vẻ giống như ý tưởng chỉ xuất hiện trong phim nhưng trên thực tế các nhà nghiên cứu tại Đại học Northeastern, MIT và IBM đã sáng tạo ra chiếc áo đặc biệt có khả năng ít ai ngờ tới.
Chiếc áo này giúp người mặc vô hình trước công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Đó chính là một chiếc áo phông màu trắng có họa tiết màu sắc ở trước ngực. Theo các chuyên gia, chiếc áo giúp người mặc vô hình trước công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Các nhà nghiên cứu đã xác định thành công các vị trí trên cơ thể có thể gây nhầm lẫn cho hệ thống nhận dạng khuôn mặt nhờ chi tiết nhỏ như dán hình ảnh được làm nhiễu pixel.
Từ đó, họ sáng tạo ra chiếc áo phông in hình đặc biệt. Người mặc chiếc áo không hoàn toàn vô hình trước camera giám sát nhưng gây ảnh hưởng đến kết quả chính xác của quá trình nhận diện khuôn mặt.
Nhược điểm của áo phông là dễ bị nhăn và nhàu khi người mặc di chuyển, vì vậy nhóm nghiên cứu đã phải "đau đầu" tìm ra phương án đối phó với vấn đề này.
Hiện tại, chiếc áo phông vẫn đang trong quá trình xem xét thêm, các nhà nghiên cứu không chắc chắn về việc nó hoạt động chính xác như thế nào trong thế giới thực. Xue Lin, trợ lý giáo sư kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Northeastern cho biết mọi người sẽ không thể sử dụng chiếc áo phông trong thế giới thực. "Chúng tôi vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc cho ra áo phông hoàn chỉnh hoạt động trong thế giới thực", Xue Lin nói.
Bên cạnh đó, đây chắc chắn không phải là thứ hỗ trợ mọi người tránh bị phát hiện, trốn tránh công nghệ giám sát, bảo mật hiện đại. Mục đích cuối cùng của nhóm nghiên cứu là tìm ra các lỗ hổng để các công ty tạo ra phần mềm có thể sửa chữa, khắc phục và hoàn thiện hơn nữa trong tương lai.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tạo ra các vật thể để thử và đánh lừa trí thông minh nhân tạo. Năm 2016, các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Carnegie Mellon và North Carolina tại Chapel Hill, Mỹ đã tạo ra chiếc kính đánh lừa công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
- “Cuộc chiến” bền bỉ của nhà khoa học trong hành trình loại bỏ xăng pha chì trên toàn cầu
- Tại sao loài người không có mùa giao phối?
- Các nhà khoa học ra "tối hậu thư" về sức chịu đựng cuối cùng của Trái đất