Bắc Cực có thể hết băng trong vòng một thập kỷ
Các hình ảnh mới nhất do vệ tinh cung cấp cho thấy, độ dày của băng tại Bắc Cực đã giảm tới mức thấp nhất trong lịch sử. Một số nhà khoa học Mỹ cảnh báo rằng, có thể trong vòng chưa đầy 10 năm nữa, cực bắc của địa cầu sẽ không còn băng.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, diện tích bề mặt có băng tại Bắc Cực đã giảm 444.800 km vuông so với mức trung bình trong khoảng thời gian từ năm 1979 tới năm 2.000. Độ dày của các lớp băng cũng giảm tới mức thấp nhất trong lịch sử.
Walt Meier, một chuyên gia của Đại học Colorado (Mỹ), cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu khiến băng tan nhanh trong hai thập kỷ gần đây. Ông dự đoán Bắc Băng Dương sẽ không còn băng trong khoảng thời gian từ năm 2020 tới 2040. Thậm chí viễn cảnh đó còn có thể xảy ra vào năm 2013.
"Phần lớn chúng ta đều tán thành quan điểm cho rằng băng ở Bắc Cực sẽ biến mất vào mùa hè, vấn đề là khi nào điều đó xảy ra. Nhiệt độ khí hậu tiếp tục tăng lên cùng với lượng CO2 trong khí quyển. Ngay cả khi chúng ta không thải ra CO2 nữa thì nhiệt độ toàn cầu vẫn tăng. Bắc Băng Dương sẽ tiếp tục hấp thu nhiệt khiến băng không ngừng tan chảy", ông nói.
Nhiều nghiên cứu dựa trên mô hình máy tính cho thấy, cực bắc của địa cầu sẽ hết băng trước năm 2037. Cực nam của hành tinh cũng không thoát khỏi tình trạng đó. Các hình ảnh của vệ tinh cho thấy một chiếc cầu băng khổng lồ tại Nam Cực vừa gãy vào tuần trước. Chiếc cầu này giúp cố định vị trí của một khối băng có diện tích bằng một nửa Scotland.
Theo Meier, băng ở Bắc Cực tan nhanh hơn dự báo của giới khoa học vì hiệu ứng nhà kính. Tình trạng đó không chỉ tác động xấu tới gấu Bắc Cực, mà còn làm thay đổi khí hậu trên toàn thế giới. Băng có khả năng phản chiếu tia nắng mặt trời khiến lượng nhiệt mà đại dương hấp thu giảm đi. Khi băng ở một nơi nào đó trên đại dương biến mất, nước sẽ hấp thu nhiều nhiệt hơn.
Hậu quả là băng ở nơi khác tiếp tục tan và diện tích của nước ngày càng mở rộng. Sự tan chảy của băng cũng có thể gây nên tranh chấp giữa các quốc gia trong hoạt động khai thác tài nguyên như dầu mỏ và vận tải đường biển.