Bác sĩ Trung Quốc: Đừng coi người cấy ghép đầu là quái vật

Bác sĩ Xiaoping Ren cho biết cấy ghép đầu người sẽ cứu nhiều mạng sống và điều quan trọng là phải thay đổi được quan niệm coi người cấy ghép đầu là quái vật.

"Frankenstein là người tốt hay người xấu?" bác sĩ Xiaoping Ren mở đầu câu chuyện với phóng viên Red Door News, khi đang lái xe chở hai người vượt qua nhiều tuyến phố đông đúc vào giờ cao điểm buổi sáng ở Cáp Nhĩ Tân để tới bệnh viện thành phố.

Theo Mirror, bệnh viện Cáp Nhĩ Tân là nơi ông công tác với tư cách là bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, đồng thời là nơi đặt phòng thí nghiệm do chính phủ Trung Quốc tài trợ để thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép đầu người đầu tiên trong lịch sử y học thế giới.

Ông đã nghe rất nhiều lời bàn luận về tiểu thuyết kinh dị của Mary Shelley, thậm chí báo giới Trung Quốc còn thường xuyên so sánh ông với Victor Frankenstein, bác sĩ quái vật - nhân vật chính trong tiểu thuyết cùng tên.

"Cấy ghép đầu người là đỉnh cao mới trong khoa học. Vài người nói rằng nó là giới hạn cuối cùng trong y khoa. Đó là một chủ đề nhạy cảm, gây nhiều tranh cãi, nhưng nếu có thể đem nó vào ứng dụng lâm sàng, chúng ta sẽ cứu sống rất nhiều người", vị bác sĩ 55 tuổi nói.


Bác sĩ Xiaoping Ren (phải) cùng một đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm đang nghiên cứu giải phẫu học một cái đầu khỉ. (Ảnh: Red Door News).

Ông đã xây dựng một đội ngũ bác sĩ trẻ cùng thực hiện vô số thí nghiệm cấy ghép đầu chuột cống, chuột nhắt, lợn, khỉ và xác người. Dự án của Ren được chính phủ tài trợ hào phóng, với hy vọng biến đất nước thành cường quốc về khoa học công nghệ. Chủ tịch Tập Cận Bình khi lên lãnh đạo đất nước đầu năm 2013 từng nói với các nhà khoa học "sáng tạo, sáng tạo và sáng tạo" là cách tốt nhất để thực hiện Giấc mơ Trung Quốc.

Giờ đây, đội của bác sĩ Ren ở đại học y Cáp Nhĩ Tân đang cố hiện thực hóa giấc mơ đó. Ông bị chỉ trích là "liều lĩnh", thậm chí còn nhận được nhiều lời nhận xét tồi tệ hơn từ đồng nghiệp trong cộng đồng khoa học. Tuy nhiên, không ít bệnh nhân tình nguyện trở thành đối tượng thử nghiệm của bác sĩ Ren.

Wang Huanming, 62 tuổi, công nhân nhà máy gas bị liệt từ cổ trở xuống, là một trong số đó. Ngoài ra còn có Valery Spiridonov, 31 tuổi, chàng kỹ sư máy tính người Nga bị teo cơ nặng, các chức năng dần thoái hóa đến chết.

Hè năm ngoái, Ren cấy ghép "thành công" đầu khỉ, mặc dù không hề nối lại dây thần kinh cột sống của nó. Con vật sống được trong 20 giờ. Ông hiểu rằng khoa học phải được hoàn thiện, và quan trọng không kém là phải xóa bỏ hình tượng quái vật Frankenstein trong cấy ghép đầu người.

20 năm trước, khi còn hành nghề y tại Mỹ, Xiaoping Ren đã nghe về Frankenstein. Lúc đó ông làm việc trong nhóm bác sĩ phẫu thuật Tiến hành cấy ghép tay người đầu tiên tại Mỹ.

"Tôi chỉ làm việc với tư cách là nhà khoa học. Mọi người có thể nói, "Ông đúng là Frankenstein". Tôi chẳng quan tâm. Tôi chỉ chú tâm vào công việc, vào sự nghiệp khoa học. Chúng ta đang tiến gần hơn tới mục tiêu cấy ghép đầu người. Tôi không đưa ra lịch trình cụ thể, nhưng không loại trừ khả năng thực hiện ca cấy ghép vào năm tới", bác sĩ Ren nói.

Ông từ chối tiết lộ đã thực hành trên bao nhiêu động vật linh trưởng còn sống hay trên xác người.

"Nhiều người nói ghép đầu vô đạo đức", ông nói. "Nhưng bản chất của con người là gì? Bộ não chính là con người, không phải cơ thể. Cơ thể chỉ là một cơ quan".

Thay đổi quan niệm


Bác sĩ Ren đang thí nghiệm cấy ghép đầu lợn. (Ảnh: Red Door News).

Không khí làm việc khẩn trương tràn ngập bệnh viện đại học y Cáp Nhĩ Tân. Một tốp sinh viên đang chuẩn bị cấy ghép đầu cho một con chuột bạch. Trong phòng thí nghiệm chính, một đồng nghiệp đang phẫu thuật một con chuột. Khắp tường đầy biểu đồ nghiên cứu cấy ghép, bao gồm cả hình ảnh cực kỳ ghê rợn về ca phẫu thuật ghép đầu chó trong trường những năm 1950.

Bác sĩ Ren là người gốc Cáp Nhĩ Tân. Ông tốt nghiệp đại học y và làm việc tại Mỹ trong nhiều năm, trở về Trung Quốc 15 năm trước để theo đuổi giấc mơ cấy ghép đầu người, mặc dù vợ và hai con gái vẫn ở lại Mỹ.

"20 năm trước khi tôi đến Mỹ, giới học thuật sôi sục với ý tưởng cấy ghép đầu. Giờ Trung Quốc cũng thế, Trung Quốc đang phát triển rất nhanh", ông nói về lý do trở về nước tìm nguồn tài trợ, do không thể tìm được tại Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp khoản tài trợ ban đầu gần 1,5 triệu USD để mở phòng thí nghiệm và cung cấp tài trợ hàng năm cho bác sĩ Ren và đội ngũ hơn 20 chuyên gia khác làm việc dưới quyền ông.

Họ đã thí nghiệm trên 1.000 con chuột, chưa con nào sống sót quá một ngày.

"Động vật nhỏ khác xa con người", bác sĩ Ren giải thích. "Khỉ gần gũi với người nhất về giải phẫu học và sinh lý học, nhưng lại rất đắt đỏ".

Một ca phẫu thuật cấy ghép đầu khỉ mất tới 20 giờ. Bác sĩ Ren hy vọng ca cấy ghép đầu người mất khoảng 30-40 giờ. Các thí nghiệm trên xác người đã "giúp chúng tôi tìm hiểu cách bóc tách và kết nối của dây thần kinh cột sống", bác sĩ Ren nói.

Một thách thức khác đó là duy trì bộ não không bị tổn thương lúc bị cắt rời khỏi cơ thể.

"Một ngón tay được bảo quản lạnh có thể cấy ghép thành công sau ba ngày. Một quả thận hay một quả tim có thể sống được vài giờ. Nhưng một bộ não chỉ có 4 phút", ông nói.

Ba vấn đề sống còn trong phẫu thuật cần khắc phục, đó là: Làm thế nào để cắt rời dây thần kinh cột sống mà vẫn kết nối được với các dây thần kinh còn nguyên vẹn, làm thế nào để duy trì áp suất máu giữ cho bộ não sống, và làm thế nào để loại trừ đào thải sau cấy ghép.


Bác sĩ Ren đi thăm bệnh tại bệnh viện đại học y Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc. (Ảnh: Red Door News).

"Nếu ba vấn đề trên được giải quyết, bạn có thể đến gặp tôi hỏi, "Khi nào thì ca cấy ghép đầu người đầu tiên diễn ra?" còn tôi sẽ trả lời, "Được thôi, mai nhé"", bác sĩ Ren nói.

"Đó là một năm cực kỳ quan trọng. Chúng ta đang ở rất gần nó rồi. Chúng tôi chỉ cần tổ chức lại đội ngũ và nhận ủng hộ để thực hiện ca phẫu thuật này thành công".

Ông nhấn mạnh, mọi người cần làm quen và chấp nhận với khái niệm cấy ghép đầu. Khi thực hiện những ca ghép tay, ghép mặt người, người ta đều tỏ ý hoài nghi và phản đối.

"Mọi người cần thay đổi tư duy. Chúng ta cần xã hội ủng hộ. Mọi người cần được biết rõ hơn về bước tiến này. Nếu không được dư luận ủng hộ, quá trình này có thể sẽ mất 10 đến 100 năm nữa, cho dù kỹ thuật đã sẵn sàng".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất