Bác sĩ tự phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa

Trong chuyến thám hiểm ở Nam Cực, Leonid Rogozov lâm bệnh nặng và cần được phẫu thuật. Là bác sĩ duy nhất trong đoàn, ông nhận thấy rằng không ai khác ngoài bản thân có thể thực hiện được điều này.

  • Những nhà khoa học quên mình vì nghiên cứu

Bác sĩ tự cắt bỏ ruột thừa

Rogozov là một trong 12 thành viên thuộc đoàn thám hiểm Nam Cực thứ 6 của Liên Xô, có nhiệm vụ xây dựng một trạm nghiên cứu mới ở khu vực Schirmacher Oasis. Khi trạm Novolazarevskaya hoàn thiện và đi vào hoạt động giữa tháng 2/1961, nhóm của Rogozov có một thời gian sinh sống tại đây giữa những tháng mùa đông khắc nghiệt.


Leonid Rogozov ở Leningrad (nay là St Petersburg) vài năm sau chuyến thám hiểm ở Nam Cực. (Ảnh: Vladislav Rogozov)

Khi mùa đông ở vùng cực bắt đầu, bác sĩ 27 tuổi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn và cơ thể yếu dần. Vết thương nặng lan xuống vùng bụng.

"Là một bác sĩ phẫu thuật, cha tôi không gặp nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán đó là triệu chứng của viêm ruột thừa cấp tính. Đây là trường hợp mà ông từng phẫu thuật nhiều lần và thường thấy trong thế giới văn minh. Tuy nhiên, điều không may mắn là ông không sống ở thế giới ấy, mà thay vào đó là ở giữa vùng đất hẻo lánh ở Nam Cực", Vladislav, con trai Rogozov, kể lại.

Cuối tháng 4/1961, sự sống của Rogozov bắt đầu gặp nguy hiểm khi không có hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài. Hành trình từ Nga đến Nam Cực kéo dài 36 ngày trên biển và con tàu sẽ chỉ quay trở lại một năm sau đó, trong khi tuyết rơi, bão tuyết là những yếu tố ảnh hưởng nếu đi bằng đường không. Ông phải đối mặt với ranh giới sự sống và cái chết, hoặc chờ đợi sự giúp đỡ trong vô vọng, hoặc cố gắng làm gì đó.

Đó không phải một lựa chọn dễ dàng. Rogozov biết rằng ruột thừa có thể bị vỡ và nếu điều đó xảy ra, ông sẽ chết. Ông phải tự mở bụng để thực hiện ca phẫu thuật này, nhưng không chắc liệu điều đó có thể hay không. Nếu cứ tiếp tục cân nhắc và chờ đợi, các triệu chứng sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

Chuyến đi của Rogozov diễn ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi phương đông và phương tây cùng chạy đua trong nhiều lĩnh vực, từ không gian, vũ khí hạt nhân đến các vùng cực. "Nếu cha tôi thất bại và qua đời, điều đó chắc chắn sẽ tạo ra làn sóng chỉ trích tiêu cực đối với chương trình khám phá Nam Cực của Liên Xô", Vladislav cho hay.

Quyết định


Rogozov tự phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa. Ảnh: BBC

Rogozov quyết định thà tự tiến hành phẫu thuật còn hơn là chết vì đã không làm gì.

"Tôi không ngủ cả đêm qua. Đau đến thấu xương. Một cơn bão tuyết như quét qua tâm hồn tôi, rít lên như 100 con chó rừng. Vẫn không có triệu chứng rõ ràng rằng hiện tượng thủng sắp xảy ra, nhưng cảm giác ngột ngạt về một điều gì đó cứ treo lơ lửng trên đầu. Tôi phải nghĩ thông cách thực hiện ca phẫu thuật với chính mình. Nó gần như là không thể, nhưng tôi cũng không thể chỉ khoanh tay và bỏ cuộc", ông viết trong nhật ký.

Rogozov vạch ra một kế hoạch chi tiết, tính toán các bước sẽ diễn ra và phân công đồng nghiệp của mình từng nhiệm vụ cụ thể. Rogozov nhờ hai trợ lý chính cầm dụng cụ, đặt đèn và cầm gương để xem hình ảnh phản chiếu. "Cha tôi đã làm việc một cách có hệ thống, thậm chí còn hướng dẫn mọi người nên làm gì nếu ông bị mất ý thức, làm thể nào để tiêm adrenalin và hô hấp nhân tạo", con trai Rogozov nói.

"Ôi những trợ lý của tôi. Vào phút cuối cùng, tôi nhìn về phía họ. Họ đứng đó với bộ đồ phẫu thuật màu trắng. Tôi cũng rất sợ. Nhưng khi cầm kim tiêm với novocaine và tự tiêm mũi đầu tiên, bằng cách nào đó tôi đã tự động sẵn sàng. Kể từ thời điểm đó, tôi không còn biết được thứ gì khác", Rogozov viết.

Rogozov định dùng gương để phẫu thuật, nhưng ông nhận thấy rằng tầm nhìn đảo ngược của nó gây trở ngại. Vì vậy, ông kết thúc quá trình này bằng cách tự cảm nhận và không sử dụng găng tay. Ở giai đoạn cuối cùng và cũng là giai đoạn khó khăn nhất, Rogozov gần như mất ý thức. Ông bắt đầu lo sợ rằng mình sẽ thất bại.

Rogozov chảy máu khá nhiều. Ông yếu dần và đầu óc bắt đầu quay. Cứ 4-5 phút, bác sĩ phải nghỉ 20-25 giây. Sau gần hai tiếng, Rogozov đã cắt bỏ ruột thừa thành công. Trước khi cho phép mình nghỉ ngơi, ông hướng dẫn các trợ ký cách rửa dụng cụ phẫu thuật. Chỉ khi căn phòng sạch sẽ và gọn gàng, Rogozov mới dùng thuốc kháng sinh và thuốc ngủ.

Rogozov quay trở lại cuộc sống bình thường chỉ hai tuần sau đó. Nói về thành công này, Vladislav cho rằng đó là một điều đáng kinh ngạc, nhưng điều quan trọng nhất là Rogozov cảm thấy nhẹ nhõm vì đã tự cho mình một cơ hội sống.

 

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất