Bài phỏng vấn tuyển sinh khó khét tiếng của đại học Oxford, bạn có muốn thử?

Kỳ phỏng vấn tuyển sinh của trường ĐH Oxford đã quá nổi tiếng về độ khó và... dị thường, vì các ứng viên thi tuyển vào đây có khả năng tư duy rất khác biệt.

"Các loài vật sống trên cạn hay dưới nước dễ dàng hơn?"; "Tại sao con người có 2 mắt?"; "Bạn biết gì về quả chuối?"... Đây là 3 ví dụ trong số rất nhiều câu hỏi mà các thí sinh ứng tuyển vào ĐH Oxford phải vượt qua trong kỳ phỏng vấn.

Vốn là một trong những trường đại học thuộc top đầu thế giới, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi ĐH Oxford có một vòng phỏng vấn với những câu hỏi siêu khó. Có điều, chúng không chỉ khó mà còn rất... kỳ cục, bắt buộc thí sinh phải cực kỳ linh hoạt trong suy nghĩ của mình.

"Chúng tôi muốn tìm kiếm những người có thể tự nghĩ về bản thân, luôn sẵn sàng đương đầu với các câu hỏi mang tính thách thức" - trích lời một giáo viên tại Oxford.

"Điều quan trọng là các ứng viên phải hiểu rằng, "đương đầu" ở đây không có nghĩa "giải quyết hoàn toàn": chúng tôi muốn thấy cách các bạn ứng dụng những kỹ năng của bản thân vào một tình huống hoàn toàn mới, và xem bạn xử lý chúng như thế nào".


ĐH Oxford - một trong những trường ĐH hàng đầu thế giới.

Thông thường, những câu hỏi bạn nhận được sẽ liên quan đến chuyên ngành bạn lựa chọn ứng tuyển. Ví dụ, một ứng viên đăng ký ngành Computer Science sẽ nhận được câu hỏi: "Cướp biển sẽ ăn chia kho báu cướp được như thế nào?". Hay một sinh viên ngành lịch sử: "Giả sử sách sử đã mất hết, trừ các thông tin về thể thao, bạn sẽ biết được bao nhiêu về lịch sử con người?"

Đây đều là những câu hỏi không có câu trả lời rõ ràng. Phụ thuộc vào cách bạn trả lời mà đơn xin nhập học của bạn có được chấp nhận hay không. Và để phục vụ cho kỳ tuyển sinh năm 2018, ĐH Oxford đã công bố một số câu hỏi "mẫu" để thí sinh có thể luyện tập.

Hãy thử xem chúng "dị" đến thế nào nhé.

1. Chúng ta sẽ mất gì nếu chỉ đọc một tác phẩm văn học nước ngoài bằng bản dịch? (Câu hỏi dành cho ngành Ngôn ngữ Hiện đại (Pháp) - Mordern Languages).

2. "Đồng ý là ngành hàng không gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến quá trình biến đổi khí hậu. Nhưng rõ ràng dù tôi có lên máy bay hay không, thì chuyến bay vẫn cứ vận hành. Vậy nên, chẳng có vấn đề gì về mặt đạo đức khiến tôi ngưng di chuyển bằng máy bay".

Nhận xét về tính thuyết phục của luận điểm này. (Câu hỏi dành cho sinh viên ngành Chính trị, Triết học, và Kinh tế học).

3. Sắp xếp các nước sau theo thứ tự giảm dần về tỉ lệ tử vong: Bangladesh, Nhật Bản, Nam Phi, Anh Quốc (câu hỏi dành cho sinh viên ngành dược).

Suy nghĩ ra và thử đưa ra luận điểm của mình nhé. Dưới đây là lời giải thích kèm gợi ý của các chuyên gia đặt ra những câu hỏi phỏng vấn lần này.

Gợi ý

1. Theo Jane Hiddleston - giáo sư Văn học Pháp tại ĐH Exerter, ứng viên cần phải chỉ ra những khó khăn đến từ quá trình dịch thuật, qua đó cho thấy sự hiểu biết của mình về cách mà ngôn ngữ vận hành.

"Ngôn ngữ văn học có cách vận hành khác, và điều đó khiến quá trình dịch thuật trở nên có vấn đề, khiến nhiều ý tứ bị hiểu sai. Chúng tôi không hy vọng ứng viên hiểu biết tất cả, nhưng cần phải chỉ ra được việc nghiên cứu tác phẩm văn học ở ngôn ngữ khác là điều quan trọng".

2. Theo Cecile Fabre, giáo sư môn Triết học và Chính trị tại ĐH All Souls là người đặt ra câu hỏi này. Ông cho biết, câu hỏi này đặt ra vấn đề với từng cá nhân về trách nhiệm của mình đối với những hành động gây hại mang tính dây chuyền.

Đây là một câu hỏi mang nặng tính triết học. Nếu ứng viên nghiêng về ý kiến ngành hàng không gây hại cho môi trường, Fabre có thể yêu cầu họ chấp nhận luận điểm đó để đưa ra tranh luận, vì hầu hết các nhà triết học luôn đặt mình vào một quan điểm khác trong quá trình tư duy.

Còn nếu ứng viên đồng tình với quan điểm trên, họ sẽ phải đưa ra được quan điểm về cái gọi là "lý do đạo đức", với những ví dụ cụ thể theo quan điểm của bản thân.

3. Câu hỏi này được Andrew King - nhà nghiên cứu từ ĐH Exeter đưa ra.

"Đa phần sẽ cho rằng Bangladesh hoặc Nam Phi có tỷ lệ lớn nhất, nhưng thực ra đứng đầu là Nhật Bản cơ".

"Một yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ tử, đó là độ tuổi của dân số. Tôi sẽ hướng đến việc tranh luận về lý do vì sao một quốc gia giàu có nhưng dân số già như Nhật Bản lại có tỉ lệ tử cao. Trong khi tại Bangladesh, ai cũng nghĩ tỉ lệ sẽ cao vì đây là nước nghèo, nhưng thực ra lại thấp hơn nhiều vì dân số của họ rất trẻ".

"Tương tự, Anh Quốc là nước có tỉ lệ cao thứ 2, dựa trên cấu trúc dân số: dân số già, và hầu hết người chết đều rơi vào người cao tuổi".

Nhưng như vậy là chưa đủ. Theo King, các ứng viên cần đưa ra một số luận điểm liên quan đến nguyên nhân gây chết và ảnh hưởng đến tỉ lệ tử - như tỉ lệ bệnh tim mạch và ung thư cao bất thường ở những quốc gia phương Tây. Đó là cách một sinh viên ngành Y của Oxford phải tư duy.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất