Bạn đã biết đến "Tứ đại thiên vương" của làng khoa học thế giới?

Giải thưởng Nobel là một trong những danh hiệu cao quý nhất trong đời mà một nhà khoa học có vinh dự to lớn mới đạt được, thậm chí mơ ước cũng chưa chắc đã có thể chạm tay vào. Vậy mà có 4 con người lỗi lạc đến nỗi 2 lần nhận được giải thưởng danh giá trên, trở thành tượng đài kiệt xuất của thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Trên thế giới, chỉ có 4 người từng 2 lần đoạt giải thưởng Nobel đầy cao quý. Dưới đây là tên của 4 nhà khoa học lỗi lạc đó.

Marie Curie

Cái tên đầu tiên chúng ta cần biết đến chính là Marie Sklodowska Curie – nhà khoa học nổi tiếng người Ba Lan, dành trọn mọi lời hoan nghênh và ca tụng của thế giới trong cả hai công trình liên quan tới Vật lý và Hóa học.


Nhà khoa học nổi tiếng người Ba Lan Marie Curie.

Tuy nhiên, điều mà ít ai có thể ngờ tới danh hiệu Nobel đầu tiên của bà đã suýt bị để vuột khỏi tay. Cụ thể, vào năm 1903, Viện Hàn lâm Khoa học Pháp chỉ ứng cử hai tên tuổi Henri Becquerel và Pierre Curie cho giải thưởng Nobel Vật lý. Ngay khi biết được thông tin trên, nhà toán học Gösta Mittag-Leffler đã vô cùng tức giận, tiến đến đề cập quan điểm của mình với Pierre. Sau đó, Pierre Curie đã hưởng ứng và hồi đáp lại cho Gösta một bức thư truyền cảm và dứt khoát:

"Tôi vô cùng cảm kích vì thành quả của mình cuối cùng cũng góp một phần nhỏ vào công cuộc phát triển khoa học của nhân loại và được đề cử cho giải thưởng danh giá này. Tuy nhiên, tôi còn mong hơn nữa được sánh bước cùng Phu nhân Curie – người có ý nghĩa rất quan trọng đối với nghiên cứu của chúng tôi về bản chất phóng xạ, cũng như phát kiến đột phá của cô ấy về khối lượng nguyên tử của radium...", trích lời Pierre.

Sau khi nổi lên nhiều cuộc thảo luận và điều chỉnh ý kiến, Marie cuối cùng cũng được đưa vào danh sách đề cử trên, để rồi tháng 12 năm 1903, cả ba nhà khoa học vĩ đại, Becquerel và vợ chồng nhà Curie, đã vinh dự nhận về danh hiệu cao quý này. Trong lễ trao giải, khám phá của nhà Curie về hai nguyên tố polonium radium chưa được đề cập đến, vì các nhà hóa học thuộc Hội đồng phụ trách đã nhận định dự án nghiên cứu này của họ hoàn toàn có thể xứng đáng một tượng đài Nobel nữa cho lĩnh vực Hóa học.

Rồi điều gì đến cũng phải đến, lần thứ hai cái tên Curie được xướng lên và hết lời ca ngợi là vào tháng 12 năm 1911. Dù vậy, một biến cố không may xảy đến cặp đôi "trời phú" của giới khoa học chính là sự ra đi đột ngột của Pierre vào năm 1906, cho nên Marie đã đứng ra nhận giải thưởng này, như một sự tưởng nhớ đầy ý nghĩa đối với người chồng thân yêu của mình. Công trình của hai người liên quan tới phát hiện về polonium và radium – hai nguyên tố có mức phóng xạ cao hơn nhiều so với uranium (chất phóng xạ đầu tiên được tìm thấy).

Linus Pauling

Pauling là cái tên duy nhất giành được hai danh hiệu Nobel cho riêng mình. Một giải thưởng Nobel Hóa học vào năm 1954, vinh danh nghiên cứu của ông về đặc trưng và bản chất của liên kết hóa học. 8 năm sau đó, động thái tích cực của mình trong tư tưởng ủng hộ Chủ nghĩa Hòa bình trong thời điểm diễn ra Chiến tranh lạnh, đồng thời phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân đã giúp ông giành thêm giải thưởng Nobel Hòa bình 1962.


Pauling là cái tên duy nhất giành được hai danh hiệu Nobel cho riêng mình.

Nổi lên như một hình mẫu xuất chúng trong lĩnh vực hóa học của thế kỷ 20, nhà khoa học người Mỹ này đã tạo nên một cuộc cách mạng trong cách chúng ta đã và đang nghiên cứu về hoạt động và chức năng của phân tử cũng như ứng dụng vật lý lượng tử vào hóa học. Ông cũng dẫn đầu rất nhiều dự án chuyên sâu liên quan đến liên kết hydro và cấu trúc, cơ chế của hemoglobin trong hồng cầu.

Cuối thập niên 1940, lo sợ về nguy cơ sẽ nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa các cường quốc với nhau, ông đã soạn thảo, trình lên một bức thư kêu gọi ngừng phát triển bom nguyên tử, vì tác hại to lớn của nó gây ra hàng nghìn ca mắc ung thư trên toàn thế giới ngay cả khi chỉ ở giai đoạn thử nghiệm. 8000 chữ ký của các nhà khoa học từ 49 quốc gia khác nhau đã được thu thập, đỉnh điểm là sự công bố chính thức của Hiệp ước Ngừng thử nghiệm Hạt nhân vào năm 1963.

John Bardeen

Ngày nay, việc thưởng thức những bản nhạc hot nhất trên radio, chương trình yêu thích trên TV hay trò chuyện thoải mái và cập nhật thông tin nhanh chóng qua những phương tiện như điện thoại, Internet đang ngày càng trở nên phổ biến rộng khắp trong cuộc sống thường ngày. Tất cả những điều trên đều nhờ vào những công lao to lớn của nhà khoa học duy nhất mang về 2 giải Nobel Vật lý cho riêng mình: John Bardeen.


Nhà khoa học 2 lần đoạt giải Nobel Vật lý John Bardeen.

Thực chất, Bardeen là một kỹ sư điện tử bắt tay vào nghiên cứu từ độ tuổi rất sớm – 15 tuổi đã chứng tỏ đam mê khác biệt so với bạn bè đồng trang lứa – và không lâu sau đạt học vị Tiến sỹ Vật lý tại Đại học Princeton. Ngôi trường nổi tiếng này cũng là nơi ông tiến sâu thêm vào lĩnh vực phân tích cấu trúc nguyên tử và đặc tính của chất bán dẫn.

Vài năm sau, Bardeen tiếp tục chuyển đến Bell Labs, nơi mà ông cùng với cộng sự của mình, Walter Brattain, phát minh thành công thiết bị truyền tải bán dẫn – một thiết kế đột phá vượt trội hoàn toàn so với ống dẫn chân không áp dụng trong máy móc từ xưa đến nay, kể cả tai nghe cho đến TV... Đây cũng chính là yếu tố quyết định giúp Bardeen nhận được giải thưởng Nobel Vật lý năm 1956 (cùng với William B. Shockley).

Từ nền tảng chất bán dẫn, Bardeen tiến đến cải tiến và phát triển lên chất siêu dẫn – chất liệu cho phép tải điện mà không hao phí năng lượng. Đó cũng là tiền đề cho thuyết BCS về chất siêu dẫn ("B" viết tắt cho Bardeen) đã giúp ông giành thêm cho mình giải Nobel năm 1972.

Frederick Sanger

Nhân vật cuối cùng trong chuyên mục ngày hôm nay là Frederick Sanger, một "tín đồ" hóa sinh học đã thành công trong việc xác định ra chuỗi amino acid trong protein bằng cách nghiên cứu cơ chế của insulin – hormone thiết yếu đối với quá trình trao đổi chất đường glucose, để rồi sau đó đã vinh dự được trao tặng giải Nobel Hóa học năm 1958.

Công trình của ông cũng miêu tả chi tiết về liên kết tạo nên chuỗi hóa học của insulin (năm 1963) có khả năng tự tổng hợp protein trong môi trường phòng thí nghiệm. Đây quả thực là một bước tiến vĩ đại cho lĩnh vực điều trị bệnh tiểu đường.


Công trình nghiên cứu của Frederick Sanger là một bước tiến vĩ đại cho lĩnh vực điều trị bệnh tiểu đường.

Bên cạnh đó, năm 1980, lại thêm một danh hiệu tương tự về tay Sanger khi ông khám phá nên phương pháp "đọc" DNA, tạo tiền đề cho những nghiên cứu về sau trong khía cạnh liên quan đến mã gen của con người. Thực tế, chính Sanger cũng là người phát hiện ra chuỗi cơ bản của nucleic acid (bao gồm adenine, guanine, cytosine và uracil), là nền tảng kiến thức để viết nên cuốn "The Book of Life" nổi tiếng.

Ngoài ra...

Bên cạnh 4 tên tuổi kiệt xuất đi kèm cùng thành tích "cú đúp" của riêng mình, còn có hai cơ quan nghiên cứu nữa cũng nhận được nhiều khen thưởng, danh hiệu cao quý từ Viện Hàn lâm Thụy Điển. Trước tiên phải để đến Hội Chữ Thập Đỏ - Tổ chức Nhân đạo Quốc tế tới nay đã đạt được ba giải thưởng Nobel Hòa bình. Còn UNHCR - Hội đồng Hỗ trợ người tị nạn của Liên hợp quốc cùng những thành tích đáng nể của mình cũng hai lần được ghi danh.

Hơn nữa, chúng ta không thể bỏ qua sự xuất chúng của không chỉ một mà là hai thế hệ nhà Curie, với hơn 4 lần giải thưởng Nobel đã thuộc về những thành viên của gia đình danh giá trên. Irène Joliot-Curie – con gái đầu của họ cũng đã chạm tay vào danh hiệu tương tự như người bố của mình trong lĩnh vực nghiên cứu về ứng dụng chất phóng xạ nhân tạo, giành giải Nobel Hóa học năm 1935.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất