Bạn không thể nói dối nếu các nhà khoa học làm điều này
Các nhà khoa học đã tìm ra cách khiến cho con người thành thật hơn.
Theo các nhà nghiên cứu, quá trình suy xét giữa sự trung thực và lợi ích ích kỷ do vùng vỏ não trán trước lưng bên (right Dorsolateral prefrontal cortex - DLPFC) kiểm soát. Họ đã tiến hành thử nghiệm bằng cách tác động vào phần não này để xem xét về sự chân thật ở người.
Người tham gia được yêu cầu chơi một trò chơi, trong đó họ có thể gian lận để tăng thu nhập của mình. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, gần như tất cả mọi người đều lừa dối khi chơi để kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng một số người tham gia lại khá chân thật.
Con người sẽ giảm dối trá và đấu tranh tư tưởng giữa nói thật và nói dối nếu bị kích thích điện vào đúng vùng não - (Ảnh: Shutterstock).
Giáo sư Michel Maréchal, đến từ Đại học Zurich, cho biết: "Hầu hết mọi người cân nhắc động cơ lợi ích cá nhân và sự trung thực tùy từng trường hợp cụ thể. Họ ăn gian nhưng không phải trong mọi dịp". Nhóm khoa học cũng tiết lộ thêm rằng, có 8% số người lừa dối trong tất cả các lần chơi, bất kể phần thưởng nhận được là gì.
Các nhà nghiên cứu sau đó đã kích thích não bộ tại khu vực rDLPFC của những người tham gia. Sự kích thích não không xâm lấn này được gọi là kích thích bằng dòng điện xuyên qua não (transcranial direct current stimulation - tDCS), dùng các điện cực để làm cho các tế bào não nhạy cảm hơn và hoạt động nhiều hơn.
Khi tác động kích thích điện như vậy trong suốt quá trình người tham gia thực hiện nhiệm vụ cho thấy, người chơi ít gian lận hơn. Nhưng số lượng người lừa đảo vẫn giữ nguyên. Giáo sư Christian Ruff nói: "Phát hiện này gợi ý rằng sự kích thích làm giảm mức độ gian lận của người tham gia - những người thực sự đối mặt với xung đột về đạo đức, nhưng không ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định ở những người đã cam kết tối đa hóa thu nhập của mình".
Nghiên cứu mới mở ra đường xác định quy trình hoạt động của não khiến con người hành xử chân thật - (Ảnh: Shutterstock).
Các nhà nghiên cứu thấy rằng, sự kích thích chỉ ảnh hưởng đến quá trình cân nhắc động cơ vật chất và động cơ đạo đức. Nhưng họ không thấy kích thích điện vô hại ấy ảnh hưởng đối với các loại xung đột khác không liên quan đến vấn đề đạo đức, bao gồm quyết định về tài chính liên quan đến rủi ro, sự mơ hồ, và phần thưởng. Một thử nghiệm khác cho thấy kích thích cũng không ảnh hưởng đến hành vi trung thực khi gian lận để hoàn trả một khoản nợ cho người khác.
Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này là bước quan trọng đầu tiên trong việc xác định quy trình não khiến mọi người cư xử một cách trung thực. Các kết quả đặt ra câu hỏi là hành xử trung thực dựa trên khuynh hướng sinh học ở mức độ như thế nào.
Nghiên cứu được công bố trên Proceedings of the National Academy of Sciences.