Bạn nghĩ chim sống được bao nhiêu năm? Kết quả sẽ khiến bạn phải bất ngờ đấy!

Đó là một con số đầy bất ngờ, đủ để phần lớn chúng ta kính cẩn khoanh tay chào "cụ".

Bạn nghĩ một con chim sẽ sống được bao nhiêu năm - không giới hạn loài nhé. 10, 20, 30? Mà nếu là gà thì có khi chỉ được 1 năm rồi lên đĩa cũng nên.

Nhưng nếu bạn nghĩ vậy thì đây là một sự thật khiến bạn phải giật mình. Xin được giới thiệu Wisdom - một nàng (hay đúng hơn là "cụ") hải âu thuộc giống Laysan (Phoebastria immutabilis) nay đã 68 cái xuân xanh, cũng là con chim thọ nhất thế giới.


Một con chim sống đến gần "thất thập cổ lai hy", trời ơi tin được không?

Một con chim sống đến gần "thất thập cổ lai hy", trời ơi tin được không? Nhưng đó chưa phải là điều thú vị nhất đâu: Wisdom vẫn đang đẻ trứng! Và mới đây cụ đã ấp nở thành công một đàn con mới trong khu bảo tồn quốc gia tại rạn san hô Midway (một lãnh thổ phi tổ chức chưa sát nhập của Hoa Kỳ).

Kể từ khi được theo dõi vào năm 2016, mỗi năm Wisdom và người bạn đời của mình là một chú chim hải âu tên Akeakamai đã quay lại đây để đẻ trứng. Thực ra, tuổi thọ trung bình của hải âu lên tới 50 năm, nhưng đạt đến con số 70 như Wisdom thì thực sự hiếm và gây nhiều bất ngờ với khoa học.

Làm thế nào để biết được Wisdom già đến vậy?

Những con hải âu tại rạn san hô Midway đã được đánh dấu từ năm 1936. Kể từ đó, hơn 250.000 cá thể cũng đươc phân loại, nhằm giúp khoa học theo dõi chúng dễ dàng hơn.

Wisdom cũng là một trong số đó. Cụ hải âu này được đánh dấu vào năm 1956, bởi nhà sinh vật học Chandler Robbins. Ở thời điểm đó, Robbins đánh giá Wisdom khoảng 5- 6 năm tuổi bởi cô nàng mới quay trở lại khu vực này để sinh sản, mà loài chim này thường không tìm bạn tình cho đến khi hoàn toàn trưởng thành sau 5 năm.

Dù vậy không thể có con số chính xác, nhưng nếu cứ cho rằng ở thời điểm 1956 Wisdom 5 tuổi, thì ở thời điểm hiện tại đã 68 tuổi rồi.


Wisdom và người bạn đời của mình.

Tuy nhiên, quá trình theo dõi Wisdom cũng có một khoảng lệch. Sau năm 1956, không ai còn trông thấy cô nàng nữa cho đến mùa sinh sản 2001/2002. Robbins đã nhận ra Wisdom và gắn luôn định vị cho cụ.

Kể từ thời điểm ấy, Wisdom cũng chăm về với rạn Midway hơn. Theo Cục cá và động vật hoang dã Hoa Kỳ (USFWS), đây là một điều khá hiếm gặp, vì hải âu không thường trở lại một địa điểm để đẻ trứng hàng năm. Nhưng có vẻ như cụ bà hải âu mang cái tên "thông thái" đã vượt ra khỏi mọi khuôn khổ.

"Hải âu thường quay trở lại vào tháng 10, gặp bạn tình và rồi dành 7 tháng tiếp theo tại rạn Midway để ấp trứng và nuôi con. Chúng chỉ đẻ 1 trứng, và cả chim trống lẫn mái đều có trách nhiệm ấp" - trích báo cáo của USFWS.

"Sau khi trứng nở, chúng nuôi con trong khoảng 5 - 6 tháng rồi lại băng qua biển. Quá trình này tốn rất nhiều năng lượng, nên hầu hết những con hải âu Laysan không chịu đẻ trứng theo từng năm".

Theo nhóm nghiên cứu, cụ hải âu đã nuôi dạy khoảng 31 - 36 đợt trứng với Akeakamai, và có vẻ con số sẽ còn tăng thêm trong tương lai.


Akeakamai đang đứng cạnh chú chim non mới nở.

"Bởi hải âu Laysan không đẻ trứng thường niên, lại chỉ nuôi 1 con, nên mỗi cá thể ra đời đều đáng quý" - trích lời Bob Peyton, trưởng dự án bảo tồn tại rạn Midway thuộc USFWS. Và rõ ràng với hiện thực biến đổi khí hậu, tuyệt chủng hàng loạt, thì sự tồn tại của Wisdom càng đáng trân trọng.

"Cụ bà Wisdom giống như một biểu tượng, là một linh vật để những người bảo tồn như chúng tôi tiếp tục nỗ lực nhiều hơn" - Beth Flint, nhà sinh học từ USFWS cho biết.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất