Bánh trung thu như thế nào an toàn sức khỏe?
Bánh không bị dập nát biến dạng hay có màu sắc khác thường, không bị thiu mốc... là những điều kiện tối thiểu để đảm bảo bánh an toàn.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, khuyến cáo người dùng cần lựa chọn và sử dụng bánh trung thu đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cách chọn bánh trung thu an toàn
- Bánh phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên, địa chỉ nơi sản xuất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Nên lựa chọn nhà sản xuất đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm và được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận.
- Bánh phải ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng.
- Sản phẩm được bán những nơi đáp ứng yêu cầu về kinh doanh thực phẩm như có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn.
- Dùng cảm quan để đánh giá, bảo đảm bánh không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng, không có mùi khác lạ.
- Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, bánh bị biến dạng, hàng lậu.
Bánh trung thu phải ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng. (Ảnh: Channel NewsAsia).
Cách bảo quản và sử dụng bánh trung thu
- Bảo quản và sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì.
- Bánh mua về bảo quản ở nơi sạch sẽ, che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập.
- Chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh.
- Không ăn quá nhiều bánh và thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường để tránh rối loạn hấp thu.
- Khi có bất thường về sức khỏe do ăn uống, nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Cách chọn bánh trung thu đảm bảo an toàn thực phẩm
Ngon thì ngon thật nhưng bạn có biết ăn bánh trung thu "béo" cỡ nào không?