Bão Bebinca có thể đổ bộ vào khu vực Hải Phòng - Nghệ An

Hôm nay bão vượt qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) và khả năng đổ bộ các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An vào sáng 17/8.

Do đổi hướng từ Đông sang Tây và di chuyển chậm, 7h sáng nay Bebinca vẫn ở trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), sức gió tối đa 90km/h, cấp 9, giật tăng hai cấp.


Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão Bebinca. (Ảnh: NCHMF).

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, ngày và đêm nay bão theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ nhanh hơn đạt 15 km mỗi giờ. Đến 7h sáng mai, tâm bão ở phía Đông vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An khoảng 270-350 km.

Do phạm vi gió cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110 km tính từ tâm bão nên hôm nay bắc biển Đông sẽ có gió mạnh, biển động mạnh. Vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 giờ tới là phía Bắc vĩ tuyến 19,5, phía Đông kinh tuyến 108.

Vào vịnh Bắc Bộ sáng 16/8, bão Bebinca giữ tốc độ khoảng 15 km mỗi giờ. Đến 7h ngày 17/8, tâm bão ở ven biển các tỉnh Hải Phòng - Nghệ An, sức gió mạnh nhất 75 km/giờ, cấp 8, giật tăng hai cấp. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.

Bão sau đó tiếp tục giữ hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20 km, đi vào các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tan hẳn trên khu vực Thượng Lào.

Dự báo của cơ quan khí tượng Việt Nam và các đài Hong Kong, Nhật Bản, TSR (Đại học London, Anh) hôm nay giống nhau về đường đi của bão. Tức là thay vì chếch lên Bắc, men theo bờ biển tỉnh Quảng Đông theo hướng Tây, bão đã gần như quặt luôn từ Đông sang Tây Tây Nam, đi sượt qua bán đảo Lôi Châu.


Dự báo của Đài TSR (Đại học London, Anh).

Về cường độ và vị trí bão đổ bộ, đài Hong Kong và TSR cho rằng bão giữ sức gió 63-118 km/giờ khi đi vào khu vực từ Ninh Bình đến Thanh Hóa. Cơ quan khí tượng Việt Nam đưa ra hai khả năng, một là bão giữ sức gió tối đa 75 km/giờ (cấp 8), hai là có thể suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi vào vịnh Bắc Bộ.

"Dù theo khả năng nào, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa lớn từ đêm 15 cho đến hết 17/8 với lượng phổ biến 300-400mm, một số nơi lên 600 mm", ông Lê Thanh Hải, Tổng cục phó Khí tượng thủy văn quốc gia nhận định chiều qua.

Trong bối cảnh tháng 6-7 lượng mưa ở Bắc, Trung Bộ cao hơn trung bình nhiều năm, có điểm vượt gấp bốn lần nên đợt mưa sắp tới có nguy cơ gây sạt lở rất cao. Mưa sẽ gây ngập lụt ở nhiều vùng trũng thấp. Hạ lưu sông Bùi của huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có thể lặp lại tình trạng ngập như trung tuần tháng 7.

Trước đó chiều 8/8, vùng áp thấp ở quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) hình thành, di chuyển lên phía Bắc, gần với đảo Hải Nam (Trung Quốc) và mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Do tương tác với bão Yagi hướng vào Thượng Hải (Trung Quốc), áp thấp nhiệt đới luẩn quẩn ở vùng biển phía nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) trong nhiều ngày.

Đến sáng 13/8, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, cơn bão thứ tư ở biển Đông trong năm nay. Sau một ngày di chuyển chậm, bão đổi từ hướng Đông sang Tây và tạo thành hai vòng thắt nút trên đường đi.

Cơ quan khí tượng dự báo, tổng số cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông năm 2018 khoảng 12-14 cơn, trong đó số vào đất liền Việt Nam khoảng 4-6.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất