Bảo tàng không dành cho người yếu tim duy nhất tại Việt Nam

Bảo tàng ký sinh trùng tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương là nơi duy nhất ở Việt Nam trưng bày hàng trăm mẫu vật loài ký sinh trùng đáng sợ với con người.


Bảo tàng ký sinh trùng
nằm ở tầng 9 tại tòa nhà trung tâm của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Nơi đây trưng bày 345 mẫu vật, bao gồm các loại giun đũa, giun móc, sán, các vật chủ trung gian truyền bệnh… được bảo quản trong các lọ, bể, đĩa thủy tinh chứa đầy formol.


Bảo tàng được hình thành ý tưởng từ năm 2010 và chính thức thành lập vào năm 2013, bảo tàng giới thiệu về sự đa dạng cũng như vòng đời của các loại ký sinh trùng nguy hiểm cho người và động vật.


Các hiện vật tại đây được bảo quản theo quy trình nghiêm ngặt, đối với các loại giun sán sẽ được nhuộm hóa chất carmind và gắn vào các hộp tiêu bản khô, còn đối với sán dây trưởng thành sẽ được gắn vào các tấm kính và bảo quan trong dung dịch formol.


Ngoài các các mẫu vật ký sinh trùng ảnh hưởng tới con người, những bức ảnh cho thấy những tác hại mà các loại ký sinh trùng này gây ra trên cơ thể con người cũng được trưng bày.


Một mẫu vật gan người nhiễm sán được ngâm trong dung dịch formol và trưng bày trong bảo tàng. Mẫu vật được thu thập tại huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Hà Nam Ninh, nay là tỉnh Nam Định) năm 1990.


Một búi giun đũa người với số lượng lên đến hàng trăm con được phát hiện và thu thập năm 1998.



Những mẫu vật giun đũa, sán dây cùng tác hại của chúng đối với sức khỏe con người được sưu tầm và trưng bày tại bảo tàng.


Các mẫu vật chủ trung gian truyền bệnh giun, sán cho người như cua suối, lươn đồng, cá cũng được đội ngũ chuyên gia thu thập, xử lý, bảo quản và trưng bày tại bảo tàng.


Tại bảo tàng đang lưu giữ nhiều mẫu kính hiển vi được sản xuất tại Liên Xô có tuổi đời hàng chục năm, chúng đã góp phần không nhỏ vào công cuộc nghiên cứu, học tập của hàng nghìn y bác sĩ tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương trong nhiều năm qua.


Theo PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương, bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ các mẫu vật mà còn là địa chỉ uy tín phục vụ mục đích học tập, nghiên cứu của nhiều thế hệ sinh viên y khoa, nghiên cứu sinh, y bác sĩ trong và ngoài nước.


Cũng tại tầng 9 của tòa nhà này còn có Bảo tàng côn trùng. Bảo tàng được xây dựng từ năm 1957, khi Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương mới thành lập, khi đó gọi là Phòng lưu giữ, bảo quản mẫu vật.


Đến năm 2003, được nâng cấp và có tên là Bảo tàng côn trùng. Với hàng nghìn vật mẫu vật được lưu trữ và trưng bày, trong đó có nhiều mẫu chuẩn.


Bảo tàng côn trùng đã cung cấp vật mẫu cũng như đối chiếu vật mẫu cho các nghiên cứu về lĩnh vực khoa học y học, đặc biệt là các nghiên cứu về Hệ thống học và Phân loại học, Tài nguyên và Đa dạng sinh học về côn trùng y học, côn trùng ngoại ký sinh.


Mẫu vật mẫu vật chủ và mẫu vật côn trùng được chia thành 4 nhóm chính... Nhóm 1: Vật chủ ngoại ký sinh - Chuột, hươu, nai, hoẵng… vật chủ côn trùng ngoại ký sinh. Nhóm 2: Bộ Hai cánh: muỗi Anopheles (vector sốt rét), muỗi Aedes (vector sốt xuất huyết); muỗi Culex (vector viêm não Nhật Bản). Nhóm 3: Côn trùng ngoại ký sinh: Bọ chét (bệnh dịch hạch); ve (sốt ve, các bệnh Rickettsia); mò (sốt mò); mạt (các bệnh Rickettsia). Nhóm 4: Một số loài khác: Ruồi, Kiến ba khoang, Bọ xít hút máu, bộ cánh vảy, bộ cánh cứng, chấy rận…


Một tấm da hổ hoàn chỉnh rất quý hiếm được trưng bày trong khuôn viên bảo tàng. Mẫu vật này được thu thập ngày 2/5/1981 tại Đồng Phú, Đồng Xoài (tỉnh Sông Bé, nay là tỉnh và Bình Phước).


Theo TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương: "Tại Việt Nam có một số cơ quan lưu giữ mẫu để nghiên cứu và giảng dạy như Viện Thú y, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội và một số các Trường Đại học khác. Tuy nhiên, chỉ duy nhất tại Bảo tàng Côn trùng ở Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương mới có phòng bảo tàng nào chuyên lưu giữ các mẫu động vật chân đốt y học với số lượng và chủng loại nhiều như vậy".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất