Bảo tồn gien và nhân giống ngựa bạch
Từ hai năm nay, trên dải đất vốn chỉ là bãi lau sậy, hoang hóa ven đê sông Hồng thuộc xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội bỗng xuất hiện một trang trại rộng tới bảy hecta nuôi gần 100 con ngựa bạch. Công sức của người dân nơi đây đã không uổng phí.
Với sự hỗ trợ của Hội Thú y Việt Nam và Hội Chăn nuôi Việt Nam, đàn ngựa đang phát triển rất tốt. Trước nguy cơ giảm mạnh về số lượng của giống ngựa bạch ở Việt Nam, đây được coi là mô hình trang trại đầu tiên ở nước ta nghiên cứu, bảo tồn gien, nhân giống và nuôi thành công loài ngựa bạch quý hiếm này.
Không ngại mạo hiểm
Nhìn đàn ngựa bạch được chăm sóc chu đáo, mau lớn, chủ trang trại, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, 50 tuổi, một người con đất Hà thành thêm vững tin.
Hai năm trước, quyết định đầu tư trang trại ngựa bạch của bà được nhiều người coi là sự mạo hiểm lớn. Nói mạo hiểm là bởi những trải nghiệm từ thất bại của xưởng sản xuất thức ăn, chăn nuôi gia súc, gia cầm trước đó.
Nhớ lại, bà Hằng xót xa: "Cách đây bảy, tám năm, khu đất bỏ hoang bên bãi sông Hồng này nhanh chóng được "giải phóng" để lập trang trại sản xuất và chăn nuôi. Nhưng đến năm 2006, giá cả thị trường lên xuống thất thường đã ảnh hưởng lớn đến việc chăn nuôi. Rồi đợt dịch cúm A/H5N1 ở gia cầm và bệnh tai xanh ở lợn khiến hàng nghìn con gà, vịt, lợn... ở đây cứ dần dần "biến mất"". Bà trở nên trắng tay.
Trong lúc đang loay hoay tìm nghề, tìm việc làm trên khu trang trại này, tình cờ bà Hằng xem một chương trình truyền hình nói về ngựa bạch và ý tưởng nuôi, nhân giống gien ngựa bạch bắt đầu từ đây. Mặc dù chấp nhận làm lại từ đầu, nhưng được sự ủng hộ và giúp đỡ chuyển giao công nghệ của Hội Chăn nuôi và Hội Thú y Việt Nam, bà Hằng quyết tâm thành lập trang trại nuôi, nhân giống gien ngựa bạch, dẫu biết rằng, phía trước chắc chắn gặp nhiều khó khăn và thử thách về kỹ thuật nuôi cũng như nhân giống.
"Dù thất bại cũng không cho phép mình nản chí" - bà Nguyễn Thị Thanh Hằng tâm sự. Ðể có thể nhập giống ngựa bạch, bà Hằng vay mượn của bạn bè được hơn 100 triệu đồng. Nhưng số tiền ấy chẳng thấm vào đâu, bà buộc phải thế chấp ngôi nhà đang ở để vay thêm vốn.
Cuối năm 2007, bà cùng cán bộ Hội Thú y lên Lạng Sơn tìm mua ngựa bạch giống. Sau nhiều ngày lặn lội, tới các vùng sâu, vùng xa ở tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, bà mua thêm được mười con ngựa bạch giống.
Bà Hằng chia sẻ: "Biết tin ở đâu có ngựa bạch là tôi lại tìm đến. Có khi phải đi bộ hàng chục cây số, vượt qua nhiều con suối, len qua cây cối rậm rạp đường rừng mới mua được một con ngựa bạch...". Ði nhiều, tìm hiểu nhiều về ngựa bạch, không chỉ bà mà cả các cán bộ thú y cũng phải thốt lên rằng, chẳng trách nhiều người dân dễ nhầm lẫn giữa ngựa bạch và ngựa trắng. Bà Hằng kể: "Lần ấy, chúng tôi vào sâu trong bản ở Lạng Sơn tìm mua ngựa bạch, nhưng đến nơi thì mới phát hiện ra trong hàng chục con ngựa, chẳng có con ngựa bạch nào, mà toàn là ngựa kim, ngựa trắng".
Bên đàn ngựa bạch được nhân nuôi từ hai năm nay, bà chủ trang trại giới thiệu: "Ngựa bạch phải hội tụ các yếu tố sau: Mắt có màu trắng mây, chung quanh con ngươi có một vành màu đồng lửa, thậm chí trong đêm, mắt đỏ như đốm lửa. Bộ phận sinh dục, mũi, mõm có mầu hồng đỏ, bốn chân có móng sừng, mầu cước ánh bạc. Ngựa bạch nếu thiếu một trong những đặc điểm trên thì chỉ được gọi là ngựa kim, vì là sản phẩm lai F1 giữa ngựa bạch và ngựa màu".
Tại trang trại, những cặp ngựa bạch bố mẹ mua trong nước trị giá vài chục triệu đồng, nhưng với những giống ngựa thuần chủng to khỏe phải mua tới gần 100 triệu đồng. Trong hai dãy chuồng trong khu trang trại, những con ngựa bạch mới được Hội Thú y Việt Nam cho phép sang Tây Tạng, Trung Quốc nhập mua về để nhân giống, trông nổi bật với vóc dáng cao to của chúng.
Theo các nhân viên ở đây, ngựa bạch Tây Tạng là loài ngựa thuần chủng, to, khỏe và có tỷ lệ sinh sản rất cao. Tất cả ngựa đưa về đều được kiểm tra bệnh tật, tiêm phòng các bệnh, trong đó có bệnh tụ huyết trùng và sau một tháng mới cho nhập đàn. Một bác sĩ của Hội Thú y thường trực chăm sóc sức khỏe cho đàn ngựa bạch quý hiếm này. Từ khi phát triển trang trại, đàn ngựa bạch mua từ các nơi về đã thuần chủng và sinh sản tốt với những con giống có chất lượng.
Khí hậu phù hợp
Trang trại nuôi ngựa bạch ở xã Yên Mỹ nằm ngay sát những cánh đồng ngô ven đê sông Hồng. Mấy năm nay, cứ sau mỗi vụ thu hoạch, người dân lại "tận thu" hết thân cây ngô để làm thức ăn khô. Kho lương thực dữ trữ cho đàn ngựa chuẩn bị đối phó với mùa nước lên cao, lúc nào cũng chất đầy với hàng chục tấn thân cây ngô, cỏ voi, cỏ gà... đã được phơi khô và thái nhỏ.
Ðàn ngựa được các nhân viên ở trang trại huấn luyện giờ đã quen với cảnh chạy lụt mỗi năm một, hai lần theo nhau "tạm trú" trong những chiếc chuồng "treo" cao. Ngoài ra, trang trại ngựa trở thành "đầu ra" tiêu thụ rau ở vùng trồng rau chung quanh xã Yên Mỹ.
Trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động, với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng và hàng chục người của xã vào mỗi dịp thời vụ.
Vào ngày nắng nóng, chiều nào đàn ngựa cũng được tắm trong hồ nước của trang trại, rồi lăn ra hóng mát dưới những hàng cây xanh. Vuốt ve con ngựa mẹ đang quẩn quanh bên con ngựa con, chị Thu Thảo, nhân viên trang trại kể: "Ngựa con mới sinh được cho uống thêm sữa bò. Chăm ngựa đẻ cũng phải cẩn thận, chăm chút từng ly, từng tý. Ngựa mẹ được bổ sung thêm khẩu phần ăn. Có những con mẹ "làm nũng", bỏ ăn, mình cũng phải "dỗ dành", hay lựa phần thức ăn cho chúng thì mới ăn". Ngựa được chăm sóc tốt thì trung bình chỉ 12 tháng lại sinh sản một lứa. Ngay việc cai sữa cho ngựa con để ra "ở riêng" cũng được nhân viên ở đây chăm sóc một cách khéo léo, với sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ Hội Thú y Việt Nam.
Kinh nghiệm từ trang trại Yên Mỹ cho thấy, ngựa bạch là loài rất dễ nuôi, bởi chúng thích ăn tạp (hầu như tất cả các củ, quả, rau, cỏ, thóc, ngô, cám gạo...). Theo các chuyên gia ở Hội Thú y Việt Nam, nguồn thức ăn cho ngựa bạch rất sẵn có và dễ kiếm, chi phí thấp, mà lại mang đến cho ngựa sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, rất phù hợp khi nhân giống và chăn nuôi. Nước ta có rất nhiều vùng thuận lợi để phát triển và nhân giống ngựa bạch, bởi loài động vật này không chỉ dễ thích nghi với mọi điều kiện thời tiết khí hậu. Ấy là chưa kể nuôi ngựa bạch có thể giúp người dân nhanh chóng xóa đói, giảm nghèo.
Tuy nhiên, theo thống kê của Hội Thú y Việt Nam, hiện nước ta chỉ có khoảng 300 đến 400 con ngựa bạch, trong đó riêng xã Hữu Kiên (Lạng Sơn) có 150 con, còn lại được nuôi rải rác ở các tỉnh miền núi phía bắc.
Bác sĩ Hoàng Triều, Ủy viên Thường vụ BCH Trung ương Hội Thú y Việt Nam, người nắm rất vững sự phát triển của trang trại cho biết: "Với tỷ lệ sinh sản chiếm 40-50%, trang trại ngựa bạch của xã Yên Mỹ là mô hình đầu tiên trong cả nước không những mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ sử dụng nguyên liệu tại chỗ mà còn rất thành công trong việc bảo tồn gien, nhân giống và nuôi ngựa bạch quý hiếm ở nước ta hiện nay".
Bác sĩ Hoàng Triều cho rằng, trang trại này đã thành công khi thuần hóa ngựa Tây Tạng trong điều kiện khí hậu và môi trường sống của Việt Nam. Ðó là lý do mà Hội đang có kế hoạch đưa thêm giống ngựa bạch Tây Tạng, và cả ngựa Mông Cổ về đây để nhân giống và nuôi.
Với sự hỗ trợ của Hội Thú y Việt Nam cùng các nhà khoa học quan tâm đến việc bảo tồn và nhân giống ngựa bạch, dự tính, đàn ngựa ở trang trại xã Yên Mỹ sẽ đạt được số lượng nhiều hơn 100 con vào năm 2010, đủ để có thể cung cấp ngựa giống cho người dân.
Trang trại cũng sẵn sàng giúp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cũng như cách thức nấu cao ngựa bạch với những con ngựa không còn khả năng sinh sản và đủ tiêu chuẩn.
Bộ Y tế cũng đã cấp giấy phép cho Hội Thú y về sản xuất cao ngựa bạch tại trang trại ngựa này. Cao ngựa bạch mang tên Vạn An được chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn hiện đang có uy tín tại nhiều thị trường trong cả nước.