Bảo tồn nguồn gene các loài cây quý hiếm ở Bạch Mã
Vườn Quốc gia Bạch Mã thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chuyển giao 7 đề tài khoa học về bảo tồn và phát triển nguồn gene, trong đó nổi bật là tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu bảo tồn nguồn gene hai loài cây kiền kiền và gõ lau quý hiếm.
Vườn Quốc gia Bạch Mã cũng đã thành công trong việc nghiên cứu, xây dựng các mô hình phục hồi rừng tự nhiên; tổ chức điều tra, giám sát vượn, ứng dụng công cụ MIST trong quản lý, giám sát cơ sở dữ liệu tuần tra bảo vệ rừng...
Các đề tài nghiên cứu đã gắn kết chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển, có hàm lượng khoa học; tập hợp được nhiều thông tin khoa học hữu ích, làm cơ sở cho hoạt động nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học.
Vườn quốc gia Bạch Mã
Đến nay, Vườn quốc gia Bạch Mã đã hoàn thành chương trình nghiên cứu, kiểm kê hệ nấm và thực vật với 2.373 loài, gấp hơn 5 lần so với trước đây và chiếm gần 17% tổng số loài thực vật trong cả nước; cập nhật được 1715 loài động vật, gấp 10 lần so với trước đây và chiếm 7% tổng số loài động vật trong cả nước.
Trong năm 2013, Vườn Quốc gia Bạch Mã tập trung phát triển mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là hợp tác với Vườn thực vật New York xây dựng đề án nghiên cứu làm cơ sở nghiên cứu, học tập liên thông quốc tế qua mạng quản lý mã và so sánh mẫu vật; phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế tổ chức chương trình "Ấn tượng Bạch Mã 2013"...
Việc mở rộng đường lên đỉnh Bạch Mã dự kiến sẽ được hoàn thành vào mùa Hè năm 2013, phục vụ khách du lịch lên tham quan đỉnh Bạch Mã.
Cách Cố đô Huế 50km về phía Nam, Vườn quốc gia Bạch Mã có độ cao 1.450m so với mặt nước biển, là địa điểm du lịch lý thú đối với du khách để có thể chinh phục hết vẻ đẹp của những địa điểm như Vọng hải đài, ngũ hồ, thác Đỗ Quyên.