Bảo vệ khẩn cấp nguồn cácbon xanh của Trái Đất
Ngày 25/3, tại Hội nghị về môi trường biển, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thế giới, Liên hợp quốc cảnh báo về nạn tàn phá hoặc làm suy thoái hệ sinh thái cácbon ven biển như các rừng đước, thảm cỏ biển, các đầm lầy, các vùng đất ướt ven biển... vốn được coi là "nguồn cácbon xanh" của Trái Đất.
Liên hợp quốc nhấn mạnh sự tàn phá các hệ sinh thái cácbon ven biển này đang đẩy nhanh quá trình thải điôxít cácbon (CO2) vào các đại dương và bầu khí quyển.
Các tổ chức như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Liên minh quốc tế bảo tồn tự nhiên (IUCN), Bảo tồn Quốc tế (CI)... đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn quá trình sản sinh lượng khí thải khổng lồ gây hiệu ứng nhà kính do việc tàn phá các hệ sinh thái cácbon ven biển.
Ảnh minh họa
Liên hợp quốc đã thành lập Nhóm chuyên gia quốc tế nhằm thúc đẩy các mục tiêu khoa học, chính sách và quản lý các nguồn cácbon xanh của Trái Đất.
Giới chuyên gia môi trường nhấn mạnh, việc tàn phá hệ sinh thái cácbon ven biển sẽ giải phóng một lượng CO2 rất lớn tích tụ hàng nghìn năm trong lòng đất. Tổng lượng CO2 tích tụ trong 1 km2 hệ sinh thái cácbon ven biển lớn gấp 5 lần lượng CO2 tích tụ trong 1km2 rừng nhiệt đới do khả năng hấp thụ, lưu giữ CO2 của hệ sinh thái ven biển cao hơn của rừng nhiệt đới gấp 50 lần. Cứ 1 km2 vùng đất ướt ven biển bị khô cạn sẽ giải phóng 0,25 triệu tấn khí CO2.
Vì vậy, cần hành động gấp để bảo vệ hệ sinh thái cácbon ven biển vì đây là một trong số ít các biện pháp hiệu quả nhất để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời bảo vệ bờ biển và các nguồn hải sản trước bão lốc và sóng thần.
Trong giai đoạn từ năm 1980-2005, trên 35.000km2 rừng đước ven biển đã bị tàn phá trên toàn cầu và mỗi năm khu vực này giải phóng 0,175 tỷ tấn CO2, tương đương với lượng khí thải của Hà Lan hoặc Venezuela.