Bắt được cá mập sống từ thời tiền sử

Con cá nhám mang xếp, một loài cá mập hiếm, được tàu đánh bắt phát hiện ở vùng Gippsland, đông nam Australia.

Telegraph hôm qua cho hay, con cá được bắt ở độ sâu khoảng 700m. Nó có chiều dài khoảng hai mét, với phần đầu và thân giống một con lươn, nhưng phần đuôi mang đặc điểm của một con cá mập. Cá thể có khoảng 300 cái răng, xếp theo 25 hàng nhỏ. Ban đầu, ngư dân rất bối rối vì không biết nó thuộc loài gì.


Cá nhám mang xếp mà ngư dân bắt được ở Australia. (Ảnh: setfia.org.au)

"Chúng tôi không thể tìm thấy một ngư dân nào từng nhìn thấy loài cá này trước đây. Nó trông giống như đã 80 triệu năm tuổi, một sinh vật tiền sử và đến từ thời đại khác", Simon Boag, thành viên của Hiệp hội đánh bắt cá của khu vực, kể lại.

Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) khẳng định đây là một con cá nhám mang xếp. Giới khoa học có thể không xa lạ với loài cá mập hiếm này, nhưng đây là phát hiện kỳ lạ đối với ngư dân địa phương.


Cá nhám mang xếp có màu nâu sẫm giống lươn, nhưng có sáu cặp khe mang giống cá mập thời tiền sử. (Ảnh: Wikipedia)

Cá nhám mang xếp là một loài cá mập thuộc chi Chlamydoselachus, sống chủ yếu sống ở vùng biển sâu khoảng 1.500m. Chúng mang một số đặc điểm của tổ tiên là cá mập nguyên thủy, có từ cách đây 80 triệu năm, và được gọi là "hóa thạch sống".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất