Bật mí công nghệ đưa Paul Walker tái xuất Fast & Furious 7

Công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI) đã được áp dụng để mang nam tài tử quá cố Paul Walker trở lại với "Fast & Furious 7".

  • Phần mềm mô phỏng hình ảnh con người trong 80 năm sau

Paul Walker đã tái xuất ra sao trong "Fast & Furious 7"?

Chiều ngày 30 tháng 11 năm 2013, cộng đồng người hâm mộ series phim điện ảnh "Fast & Furious" bàng hoàng trước thông tin nam diễn viên Paul Walker đã đột ngột qua đời trong một tai nạn ô tô. Ở độ tuổi 40, sự ra đi của tài tử này để lại rất nhiều tiếc nuối cho cộng đồng yêu điện ảnh. Sự ra đi của anh cũng trở thành một thách thức lớn với ekip làm phần 7 của "Fast & Furious" bởi ở thời điểm tai nạn đáng tiếc của Paul, phần phim này mới chỉ được hoàn thành một nửa.

Trước sự cố bất ngờ, đoàn làm phim Fast & Furious đã buộc phải sử dụng nghiệp vụ đóng thế cùng công nghệ CGI (viết tắt của Computer-generated imagery, tạm dịch: công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) để hoàn thiện nốt những hình ảnh cuối cùng của cố diễn viên Paul Walker.

Được biết, hai trong số các diễn viên đóng thế được mời mô phỏng hình ảnh của Paul Walker chính là hai thành viên trong gia đình anh là Caleb và Cody Walker. Trước đó, vào tháng 3 năm 2014, trang TIME dẫn nguồn từ Daily News cũng cho biết ekip Fast & Furious đã "thuê bốn diễn viên với cấu trúc hình thể giống Paul Walker để mô phỏng các cử chỉ vật lý của cố tài tử".


Những hình ảnh Paul Walker trong phần 7 series phim Fast & Furious.

CGI và những hiệu ứng "không tưởng" trong phim ảnh

Thực tế, CGI là công nghệ đã được sử dụng rất nhiều trong ngành công nghiệp phim ảnh, quảng cáo và thậm chí cả các sản phẩm in ấn. CGI là công cụ được sử dụng khá phổ biến bởi tính tiện ích của nó. Giả sử, trong một cảnh quay, đoàn làm viên có thể phải thuê cả nghìn người để thực hiện thì thông qua CGI họ hoàn toàn có thể tạo ra cảnh quay này mà không cần mất nhiều chi phí đến vậy.


Được thực hiện hoàn toàn bằng máy tính cùng các phần mềm chuyên dụng nên công nghệ CGI sẽ thay thế hầu hết các cảnh quay nguy hiểm hoặc tạo nên những nhân vật khó mô phỏng được ngoài thực tế

CGI cũng được cho là có tính ứng dụng mạnh mẽ trong việc tạo ra nội dung hơn bất cứ phương pháp nào khác. Công nghệ CGI lần đầu tiên được sử dụng trong phim ảnh trong bộ phim Westworld (1973). Dù vậy, trong tác phẩm này CGI mới chỉ thể hiện được nội dung hai chiều. Hai trong số các bộ phim đầu tiên được đầu tư lớn vào công nghệ CGI là Tron (1982) và The Last Starfighter (1984).

Cho tới thời điểm hiện tại, công nghệ CGI đã và đang xuất hiện trong rất nhiều bộ phim nổi tiếng khi mà con người không thể đóng vai tất cả những nhân vật xuất hiện trong đó. Điển hình nhất chính là bộ phim Transformer khi mà tất cả những người máy bên trong bộ phim này đều được dựng nên nhờ kĩ xảo chứ không được xây dựng khuôn mẫu hoàn chỉnh giống trong thực tế.


3 bước để hoàn thành một cảnh phim "điện tử" và ví dụ trong bộ phim nổi tiếng Transformer.

Để thực hiện được một cảnh phim CGI, các họa sĩ đồ họa sẽ tái thiết kế nên phần "khung" hình ảnh sau đó áp dụng các phần mềm để ghép chuyển động cho nhân vật, hoàn thiện các chi tiết cũng như "tút tát" lại hình ảnh sao cho giống với thực tế nhất. Tất nhiên, khâu hoàn thiện để đưa ra một cảnh phim sử dụng CGI sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian cũng như công sức. Chính vì thế để hoàn thiện phần còn lại của Fast & Furious 7 khi thiếu vắng Paul Walker, nhóm làm phim đã tiêu tốn thêm tới 50 triệu USD.


Tưởng chừng đơn giản, thế nhưng chỉ một chút thiếu chính xác trong việc áp dụng ánh sáng, đổ bóng hoặc màu sắc, các cảnh CGI sẽ có góc nhìn không thật và làm hỏng tác phẩm.

CGI trong Fast & Furious 7

Thiếu vắng đi sự góp mặt của tài tử Paul Walker, nhóm làm phim Fast & Furious đã phải sử dụng những cảnh quay trước đó của nam tài tử này sau đó chỉnh sửa lại màu sắc, ánh sáng để phù hợp với góc quay hiện tại.


Một cảnh quay mà Paul Walker được ghép vào sử dụng CGI.

Những cảnh quay không có tư liệu hoặc tự liệu không khớp với thực tế, nhóm làm phim sẽ sử dụng các nhân vật "đóng thế" bao gồm 2 thành viên trong gia đình Paul Walker cũng như 4 diễn viên với dáng vóc tương đồng. Dựa theo các hành động được quay bởi những diễn viên đóng thế trên, nhóm kĩ xảo sẽ ghép mặt của Paul Walker để hoàn thiện những cảnh quay cuối cùng.


Khuôn mặt của Paul Walker được tái tạo lại bằng kĩ xảo máy tính trên cơ thể của người anh em trai

Đây không phải là bộ phim đầu tiên sử dụng CGI để thay đổi khuôn mặt nhân vật. Nhìn lại bom tấn Avatar trước đây, nhóm làm phim gần như tái tạo lại toàn bộ nhân vật để phù hợp với kịch bản. Việc tái tạo lại nhân vật thông qua hóa trang hoặc sử dụng các trang phục cũng có thể thực hiện được thế nhưng chúng tiêu tốn nhiều thời gian, kinh phí hơn thêm vào đó một số hiệu ứng cũng không được đẹp mắt như dựng bằng máy tính.


Bộ phim Avatar với nhân vật được tái hiện lại bằng công nghệ CGI.

Dưới đây là một số hình ảnh thể hiện sức mạnh của công nghệ CGI trong điện ảnh hiện đại. Để ghép hình ảnh điện tử vào khung hình có sẵn, các nhà làm phim đã áp dụng "màn hình xanh" sau đó chỉnh sửa phần màu xanh này trong các phần mềm đặc biệt để mang lại hiệu ứng hoàn hảo nhất.


Công nghệ CGI trong phim The Planet Of The Apes.


Chắc hẳn tới giờ mọi người đã biết không có chú hổ thật nào xuất hiện trong bộ phim Life of Pi.


Công nghệ hình ảnh đã tái tạo lại chủ hổ này theo cách chân thực nhất.


Các khung cảnh bên trong bộ phim Alice in Wonderland cũng được dựng lên hoàn toàn bằng máy tính.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất